TPHCM sẵn sàng thí điểm các chính sách mới

Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (Nghị quyết 54) sau 5 năm triển khai, áp dụng và đề xuất kéo dài thời gian thí điểm thêm 1 năm (hết năm 2023). Đồng thời, TPHCM cũng đang khẩn trương chuẩn bị để báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54. 

Bên hàng lang Quốc hội, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TPHCM, đã trao đổi làm rõ thêm về nội dung này.

TPHCM sẵn sàng thí điểm các chính sách mới ảnh 1 PGS-TS Trần Hoàng Ngân. Ảnh: QUANG PHÚC

* PHÓNG VIÊN: Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của Nghị quyết 54 đối với sự phát triển TPHCM trong thời gian qua?

* Ông TRẦN HOÀNG NGÂN: Năm 2012, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 16 về định hướng và phát triển TPHCM đến năm 2020 tầm nhìn 2030; đến năm 2017, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 21 nhằm đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị. Nghị quyết 54 ra đời nhằm thực hiện tinh thần của Nghị quyết 16 và Kết luận 21 của Bộ Chính trị. 

Với sự đồng ý cao của Quốc hội, Nghị quyết 54 ra đời đã tạo cho TPHCM có một cơ chế, chính sách đặc thù để tháo những điểm nghẽn, giúp TP phát huy hơn nữa vai trò, vị trí đầu tàu, động lực phát triển quan trọng của đất nước, là một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục…

Nghị quyết 54 là sự hỗ trợ, động viên tinh thần để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng  doanh nghiệp TPHCM tiếp tục phấn đấu, đóng góp nhiều hơn vì cả nước, cùng cả nước.

Sau khi Nghị quyết 54 ra đời, kinh tế TPHCM phát triển rất tốt. Tăng trưởng từ 7,3% lên 7,8%, và năm 2019 tăng trưởng 7,9%. Nhưng, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trong 2 năm 2020-2021 nên những nội dung trong Nghị quyết 54 chúng ta chưa triển khai được đầy đủ.

Do đó, để đánh giá được Nghị quyết 54 tác động, hỗ trợ thế nào đến kinh tế - xã hội của TPHCM thì cần có thêm một thời gian. Vì vậy, Chính phủ đã trình Quốc hội đề xuất kéo dài thêm thời gian thực hiện Nghị quyết 54 cho đến hết năm 2023.

* Để Nghị quyết 54 phát huy hiệu quả hơn nữa, theo ông, cần quan tâm những vấn đề gì?

* Tôi kiến nghị trong năm 2023, ngoài nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp TPHCM, cần có sự chia sẻ, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các cơ quan ban ngành Trung ương. Chúng ta thấy rằng, tinh thần Nghị quyết 54 tạo được một cơ chế cho TPHCM có thêm nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng.

TP là một đô thị đặc biệt, đông dân nhất cả nước, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của cả nước, đóng góp tới 26-27% ngân sách cả nước nhưng nguồn lực đầu tư cho TPHCM rất hạn chế, nên đã rất dẫn đến những điểm nghẽn trong hạ tầng kinh tế - xã hội, giao thông đô thị, ngập nước, quá tải y tế, giáo dục…, do đó, rất cần có nguồn lực để đầu tư. 

Nguồn lực đầu tư lấy từ đâu? Chính là tinh thần Nghị quyết 54 muốn TPHCM mỗi năm có thêm 40.000 - 50.000 tỷ đồng ngoài nguồn cân đối về ngân sách. Đó là nguồn lực từ đẩy nhanh quá trình thoái vốn nhưng đang vướng quy trình, nhờ Nghị quyết 54 hiện đã đầy đủ cơ chế để thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại TPHCM.

Thứ hai là nguồn từ rà soát, đánh giá các tài sản công của các cơ quan Trung ương đóng trên  địa bàn TPHCM nhưng không sử dụng, để lãng phí nay sẽ tiến hành đấu giá, thu hồi. Bán được các tài sản này thì sẽ thêm nguồn lực để đầu tư vào phát triển. Tuy nhiên, như báo cáo Chính phủ đã nêu, những nguồn lực này trong thời gian qua chưa thực hiện được, nên trong thời gian tới sẽ triển khai mạnh hơn.

Bên cạnh đó, bản thân TPHCM cũng phải nỗ lực hơn nữa trong thực hiện các cơ chế như chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, vì đất nông nghiệp TPHCM chiếm tỷ trọng rất cao, trên 50%, nhưng không còn sử dụng để làm nông nghiệp, không có điều kiện để làm nông nghiệp nữa thì chuyển sang đất dành cho phi nông nghiệp như đất dành cho giao thông, y tế, giáo dục, sản xuất kinh doanh, an ninh quốc phòng… Cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa mà tinh thần NQ 54 đã cho phép.

Tất cả những vấn đề đó TPHCM sẽ nỗ lực để thực hiện trong năm 2023 - thời gian Quốc hội cho phép gia hạn thực hiện Nghị quyết 54. Trên cơ sở đó, năm 2023 cũng là năm để TPHCM hoàn thiện những thể chế, kiến nghị với Trung ương, Quốc hội để có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54. 

TPHCM sẵn sàng thí điểm các chính sách mới ảnh 2 Một góc TPHCM hôm nay. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

* TPHCM kỳ vọng gì khi xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54? 

* TPHCM sẽ phối hợp cùng với các bộ, ngành để chọn ra những lĩnh vực mà TP cần cơ chế, chính sách đặc thù. TPHCM là địa phương luôn đi đầu trong đổi mới, luôn đi đầu trong đột phá, nên nếu cần ban hành các chính sách mới, TPHCM sẵn sàng thí điểm. 

Vừa qua, Bộ TN-MT đã làm việc với TPHCM, tới đây các bộ ngành khác sẽ làm việc với TP để bàn bạc, tạo cho TP những cơ chế cũng như những phân cấp, phân quyền, ủy quyền mà Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhấn mạnh sẵn sàng chuyển giao cho TP.

TPHCM sẽ chuẩn bị chu đáo để khi kết thúc thời gian gia hạn Nghị quyết 54 thì chúng ta có một nghị quyết mới làm bệ phóng cho TPHCM có thể phát triển sánh vai với các TP khác trên thế giới.

Tin cùng chuyên mục