Chiều 13-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp giao ban Chính phủ về tình hình phòng chống dịch Covid-19, một trong các nội dung là thảo luận việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết TPHCM đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. TP có 10 ngày không phát hiện ca nhiễm mới.
Để tiếp tục phòng chống dịch, từ 10-4 đến nay TP đã triển khai các giải pháp, tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, luôn cảnh giác cao và không chủ quan, thỏa mãn với các kết quả đã đạt được, chấn chỉnh việc lơi lỏng cách ly xã hội, yêu cầu người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải nêu gương thực hiện. Từ 28-3 đến nay, TPHCM cũng đã xử phạt 4.360 trường hợp không đeo khẩu trang
Tại 62 chốt kiểm dịch, từ 5-4 đến nay đã kiểm tra 182.000 phương tiện, 299.000 người, trong đó có 913 người nước ngoài, phát hiện 305 người thân nhiệt cao, 2 người có biểu hiện nghi ngờ, đã được đưa đi cách ly; tổ chức xét nghiệm sàng lọc cho 1.295 công nhân tại khu lưu trú Khu chế xuất Tân Thuận…
Tính đến nay, đã có 1.663 doanh nghiệp đã thực hiện tự đánh giá theo Bộ Chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm tại doanh nghiệp do TPHCM ban hành. Trong đó, đối với công ty Pouyuen, sau hai lần kiểm tra đánh giá, khắc phục, TPHCM đánh giá rủi ro lây nhiễm vẫn vượt quá mức cho phép nên đã ban hành quyết định tạm đình chỉ hoạt động sản xuất từ 0 giờ ngày 14-4 đến hết 15-4.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, tại TPHCM về cơ bản đã không xuất hiện ca nhiễm nào tại cộng đồng từ ngày 3-4 đến nay. Tuy nhiên, nguy cơ phát sinh dịch bệnh vẫn còn cao, đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội, một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là, chưa chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch đã quy định.
Hiện nay, diễn tiến dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nguy cơ xâm nhập ca bệnh từ các nước trên thế giới vẫn còn đang rất cao, đặc biệt là các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, nguy cơ tiềm ẩn các trường hợp lây nhiễm dịch bệnh từ cộng đồng và tiếp tục lây lan cho nhiều người. Việc giao thương, đi lại từ Hà Nội và các tỉnh thành vào TPHCM vẫn còn nhiều, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 người đến TPHCM.
Ngoài ra, một số trường hợp sau thời gian điều trị, đã được xét nghiệm âm tính, cho xuất viện, xuất hiện dương tính trở lại, đi các nơi, tạo mối nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng (như trường hợp ca bệnh nhân số 22 tại Đà Nẵng, điều trị từ ngày 8-3 đến 27-3, từ Đà Nẵng, đến TPHCM để xuất cảnh ngày 11-4, mẫu xét nghiệm tại sân bay Tân Sơn Nhất, kết quả dương tính).
“Do vậy, những kết quả ban đầu mà chúng ta đã đạt được chưa thể khẳng định một chiến thắng cuối cùng. Chính vì vậy, TPHCM sẽ tập trung kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ, nhất là làn sóng thứ 2 lây nhiễm”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Kiến nghị kéo dài thời gian cách ly xã hội
Các giải pháp mà TPHCM sẽ tập trung trong thời gian tới là công tác dự phòng, giám sát chặt chẽ bằng xét nghiệm kiểm tra sau 5 ngày, 14 ngày và tiếp tục cách ly tại nhà đủ 14 ngày đối với người bệnh sau xuất viện…; xem xét mở rộng trường hợp rà soát tại cộng đồng, trước hết là người nước ngoài vào Việt Nam đang lưu trú tại nhà nghỉ, khách sạn chứ không chỉ ở các khu dân cư… Trong đó, việc tầm soát mở rộng trong cộng đồng được TPHCM triển khai có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, nhằm mục đích dự phòng, phát hiện sớm ca bệnh, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân.
TP cũng sẽ tổ chức lại các đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch tại UBND xã, phường, thị trấn thành nhiều tổ để tuần tra, giám sát việc tuân thủ cách ly xã hội; xử phạt đối với những người không đeo khẩu trang nơi công cộng; giãn cách mật độ mua sắm tại các chợ truyền thống để không tập trung đông người; giãn cách mật độ người dân tập thể dục thể thao tại các công viên.
TPHCM sẽ đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống dịch tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, nhà trọ, nhà tạm bợ, nhà ven kênh rạch.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, TPHCM đưa robot để lau dọn, phun thuốc khử trùng, vận chuyển đồ ăn và thuốc men tại các khu cách ly; đẩy mạnh phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử và giảm tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt…
Chăm lo đời sống nhân dân, TPHCM cũng triển khai Nghị quyết của HĐND TPHCM về một số chế độ chi phục vụ công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người lao động bị tác động bởi dịch với tổng kinh phí là 2.700 tỷ đồng.
Hiện nay diễn biến dịch bệnh còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường, nguy cơ lây nhiễm vẫn hiện hữu, đặc biệt là có thể trong cộng đồng vẫn còn tồn tại những người mắc nhưng chưa có biểu hiện triệu chứng và do những lý do nào đó chưa được phát hiện.
Do đó, để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa tình hình dịch bệnh, TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục kéo dài thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 30-4 với tinh thần kiên định, chủ động và quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá TPHCM thực hiện rất nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, trong đó có ban hành tiêu chí đánh giá rủi ro lây nhiễm ở các doanh nghiệp là cách làm mới của cả nước. Thủ tướng cũng đánh giá những giải pháp mà TPHCM đang thực hiện là những việc làm hết sức cần thiết của một trung tâm lớn. |