TPHCM: Tính kế phát triển vững bền

Việc phát triển của TPHCM luôn đối diện với những khó khăn như: thực hiện chuyển dịch cơ cấu thì chỉ tiêu kinh tế có thể bị giảm sút trong ngắn hạn; muốn thu hút đầu tư nước ngoài nhưng quỹ đất hạn hẹp nên phải chọn lọc ngành nghề. Để giải quyết bài toán phát triển kinh tế của TP, vừa qua các chuyên gia đã bàn luận và góp ý chân thành: TPHCM muốn phát triển bền vững thì phải hy sinh trong ngắn hạn, phải chặt chẽ để hướng đầu tư vào 4 ngành trọng điểm mà TP đã đề ra.
TPHCM: Tính kế phát triển vững bền

Việc phát triển của TPHCM luôn đối diện với những khó khăn như: thực hiện chuyển dịch cơ cấu thì chỉ tiêu kinh tế có thể bị giảm sút trong ngắn hạn; muốn thu hút đầu tư nước ngoài nhưng quỹ đất hạn hẹp nên phải chọn lọc ngành nghề. Để giải quyết bài toán phát triển kinh tế của TP, vừa qua các chuyên gia đã bàn luận và góp ý chân thành: TPHCM muốn phát triển bền vững thì phải hy sinh trong ngắn hạn, phải chặt chẽ để hướng đầu tư vào 4 ngành trọng điểm mà TP đã đề ra.

Phải có nguồn nhân lực cao

Theo ghi nhận của Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM, nhiều năm qua TPHCM luôn giữ vị trí đầu tàu của cả nước, tuy nhiên, cùng với sự phát triển của các tỉnh thành khác thì tỷ trọng đóng góp của TP cho cả nước có phần giảm xuống. Nếu năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của TP chiếm 31,2% cả nước thì năm 2015 chỉ còn 21,4%. Tương tự như vậy, các con số tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, tổng thu ngân sách trên địa bàn cũng giảm dần tỷ trọng. Điều này đòi hỏi TP phải lựa chọn những ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng và lợi thế để tập trung đầu tư, hạn chế đầu tư dàn trải. Các chuyên gia cho rằng, TP đặt ra mục tiêu phát triển thì phải đi đôi với giải pháp. Chẳng hạn, trước đây TPHCM đặt mục tiêu sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn của khu vực Đông Nam Á, thế nhưng, đến giờ nguồn nhân lực đang gặp nhiều bất cập, đặc biệt là thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật cao. TP muốn phát triển, thu hút các ngành nghề có hàm lượng chất xám cao lại không có được lực lượng lao động đáp ứng. Do vậy, cần đào tạo, tạo nhiều giải pháp để xây dựng nhanh nguồn lực nhân sự chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thu hút các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào TP. Trên thực tế, năng suất lao động Việt Nam còn rất thấp so với các nước, dẫn đến hạn chế năng lực cạnh tranh. Do vậy, việc cần làm là phải cải thiện năng suất lao động để tăng tính cạnh tranh.

Sinh viên nghiên cứu công nghệ nano tại Đại học Quốc gia TPHCM (Ảnh: CAO THĂNG)

Nếu chúng ta không thực hiện tốt các giải pháp thì chúng ta sẽ không cạnh tranh nổi trong thời kỳ hội nhập mạnh mẽ này. Dù cho hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do vậy, ngoài việc hỗ trợ vốn như những năm qua, Nhà nước cần chú trọng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp trong nước. Thực tế rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài trả lương cho người quản lý cao ngất nhưng trả lương cho nhân viên lại rất thấp. PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng (ĐH Kinh tế - Luật) đã từng dẫn chứng một tổng giám đốc điều hành doanh nghiệp (CEO) giỏi có thể có mức lương cả triệu USD một năm, trong khi những người giảng dạy hay những công việc khác chỉ có thể được mức lương bằng 10%.

Chặt trong hút đầu tư

Quỹ đất của TPHCM còn hạn chế, do vậy thời gian qua TP đã xiết chặt trong việc thu hút đầu tư, hạn chế những dự án thâm dụng lao động, ít mang lại giá trị gia tăng cho xã hội mà tập trung thu hút đầu tư vào những ngành nghề có hàm lượng chất xám cao, ngành dịch vụ và các ngành trọng điểm của TP. Các ý kiến đóng góp đều cho rằng việc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản thời gian qua như xây dự án, bán kiếm lời, chỉ “ăn” tiền nóng chứ không mang lại giá trị gia tăng nhiều cho xã hội. Nên kiểm soát và hạn chế hoạt động đầu tư ở lĩnh vực này.

Điều đáng mừng mà ngành dịch vụ thương mại của TP những năm gần đây phát triển mạnh mẽ, ngành tài chính - ngân hàng - du lịch chiếm tỷ trọng cao cho ngân sách. Đến năm 2015 các ngành dịch vụ chiếm gần 60% GDP, tăng hơn 6% so với năm 2010. Theo Viện Nghiên cứu Phát triển TP, sự gia tăng này có sự đóng góp của sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu. Các ngành dịch vụ cao cấp tăng nhanh, xuất hiện nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn, thương hiệu mạnh. Việc phát triển theo chiều sâu thể hiện ở việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào hoạt động kinh doanh của dịch vụ, từng bước tiếp cận với trình độ quốc tế nên tính chuyên nghiệp và trình độ quản lý ngày càng nâng cao.

Một vấn đề mà nhiều chuyên gia quan tâm khi nói đến sự phát triển của TP là lĩnh vực đầu tư hạ tầng. Các chuyên gia cho rằng, kinh tế muốn phát triển thì cơ sở hạ tầng phải đi trước. Thế nhưng, đây là vấn đề nóng khi có quá nhiều dự án đầu tư quan trọng triển khai chậm tiến độ, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, gia tăng chi phí và giảm hiệu quả đầu tư. Dự án chậm tiến độ không những làm tăng chi phí đầu tư mà còn kéo theo sự trì trệ cho xã hội khi nó chậm được mang vào phục vụ. Do vậy, việc thu hút đầu tư vào những ngành trọng điểm, có tiềm năng phát triển, có hàm lượng chất xám cao, mang lại giá trị gia tăng lớn cho xã hội chính là củng cố, nâng chất bên trong để đưa TP phát triển bền vững.

NHI HOÀNG

Tin cùng chuyên mục