TPHCM ứng dụng nhiều công nghệ vào tuyển sinh đầu cấp từ năm học 2023-2024

Đối với công tác tuyển sinh đầu cấp, từ năm học 2023-2024, hệ thống quản lý phân tuyến sẽ kết nối với cơ sở dữ liệu dùng chung toàn ngành, tích hợp dữ liệu dân cư của thành phố để đối chiếu, xác thực với thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngày 23-2, Sở GD-ĐT TPHCM ban hành Kế hoạch tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo từ đây đến hết năm 2023.

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, trong năm 2023, ngành giáo dục và đào tạo tập trung hoàn thiện dữ liệu ngành, song song với việc bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên công nghệ thông tin nhằm đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Tới đây, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ xây dựng và ban hành các quy định làm căn cứ triển khai, đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số ở các cơ sở giáo dục như: Khung năng lực số dành cho giáo viên, cán bộ quản lý; Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của cơ sở giáo dục…

Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng xây dựng hệ thống quản lý phân tuyến, phân luồng học sinh và tuyển sinh đầu cấp, hoàn thiện bộ giải pháp chuyển đổi số ở các đơn vị trường học với các tính năng nổi bật như đồng bộ các phân hệ ứng dụng phục vụ công tác quản lý, dạy – học, kiểm tra đánh giá, thông tin liên lạc giữa phụ huynh và nhà trường; triển khai học bạ điện tử dựa trên công nghệ blockchain; mở rộng hệ thống văn phòng điện tử kết hợp chữ ký số trong toàn ngành.

Học sinh lớp 6, Trường THCS Trần Văn Quang (quận Tân Bình) trong giờ học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Học sinh lớp 6, Trường THCS Trần Văn Quang (quận Tân Bình) trong giờ học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Cũng theo Sở GD-ĐT TPHCM, ngành giáo dục sẽ số hóa toàn bộ hồ sơ lưu trữ thông tin của ngành từ năm 1975 đến nay, trong đó có cơ sở dữ liệu điểm thi tốt nghiệp, xây dựng và triển khai giải pháp thư viện số cho toàn ngành.

Theo kế hoạch, dự kiến đến tháng 12-2023, TPHCM sẽ hoàn thành "Nhà kho dữ liệu" (Data Warehouse) đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo với các chức năng lưu trữ, phân loại dữ liệu qua các năm học, có khả năng trích xuất định kỳ hoặc khi có yêu cầu.

Còn trong tháng 9-2023, Trung tâm thông tin và Chương trình giáo dục (Sở GD-ĐT TPHCM) sẽ hoàn thiện bản đồ số (GIS) ngành giáo dục và đào tạo (EDUGIS) phục vụ việc tra cứu, tìm kiếm thông tin của người dân và hỗ trợ công tác phân tích, thống kê, báo cáo, ra quyết định, phân luồng học sinh, dự báo nhu cầu chỗ học để làm căn cứ xây dựng chiến lược phát triển quy mô trường lớp.

Điểm đáng lưu ý của GIS là không chỉ có dữ liệu các cơ sở giáo dục công lập mà còn cập nhật hệ thống cơ sở ngoài công lập (bao gồm cả trường quốc tế, trung tâm ngoại ngữ - tin học, trung tâm tư vấn du học, trung tâm đào tạo kỹ năng sống, văn phòng đại diện…) phục vụ nhu cầu tìm kiếm, tra cứu, giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục.

Cũng trong năm 2023, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ tổ chức 30 lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên công nghệ thông tin trong trường học nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kỹ năng ứng dụng công nghệ số trong quản lý và giảng dạy, nhất là các khái niệm về trí tuệ nhân tạo, sản phẩm ứng dụng Al trong quản lý và dạy học.

Riêng đối với công tác tuyển sinh đầu cấp, từ năm học 2023-2024, hệ thống quản lý phân tuyến sẽ kết nối với cơ sở dữ liệu dùng chung toàn ngành, tích hợp dữ liệu dân cư của thành phố để đối chiếu, xác thực với thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, năm học 2023-2024, ngành giáo dục đẩy mạnh việc thực hiện số hóa học liệu điện tử, tài liệu giáo dục địa phương, đồng thời ban hành các tiêu chuẩn xây dựng các khóa học trực tuyến đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của người học.

Tin cùng chuyên mục