TPHCM và các tỉnh, thành Tây Nam bộ: Tăng cường thông tin, điều phối hàng hóa

Tây Nam bộ là vùng kinh tế trọng điểm, đóng góp khoảng 18,7% GDP cả nước; TPHCM là trung tâm lớn về nhiều mặt của khu vực phía Nam và cả nước. Do vậy, việc thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa các tỉnh, thành Tây Nam bộ và TPHCM là tất yếu để hỗ trợ cho các địa phương khai thác tốt nguồn lực đầu tư, phát huy những lợi thế từng địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, việc phối hợp triển khai thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường (BOTT) là một trong số các nội dung hợp tác quan trọng giữa TPHCM và các tỉnh, thành khu vực này.

Mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa 

Năm 2019, hoạt động thương mại, dịch vụ tại 13 tỉnh, thành Tây Nam bộ và TPHCM diễn ra sôi động, nhu cầu tiêu dùng trong dân tăng, thị trường tiêu thụ được mở rộng, nguồn cung hàng hóa dồi dào, chất lượng được bảo đảm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khá, ước đạt 2.112.680 tỷ đồng, tăng 12,03% so năm 2018, cao hơn mức tăng bình quân cả nước là 11,8%.

Theo nhận định của bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, doanh thu bán lẻ hàng hóa duy trì mức tăng trưởng khá so cùng kỳ nhờ môi trường kinh tế vĩ mô khu vực ổn định, sự lạc quan tiêu dùng, mức sống của người dân được nâng lên.

TPHCM và các tỉnh, thành Tây Nam bộ: Tăng cường thông tin, điều phối hàng hóa ảnh 1 Sản xuất sữa NutiFood tại Bình Dương. Ảnh: CAO THĂNG

Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2019 đạt 89.738 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ. Tình hình thương mại - dịch vụ của tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định. Thị trường hàng hóa dồi dào và phong phú, đa dạng về mẫu mã cũng như chủng loại, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.

Nhiều cửa hàng tiện lợi được đưa vào hoạt động phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, như chuỗi siêu thị Co.opmart, cửa hàng Bách hóa Xanh, Vinmart+, San Hà Foodstore... Công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường được tập trung thực hiện, nhiều chương trình kết nối cung - cầu được doanh nghiệp (DN), HTX tích cực tham gia quảng bá các nông sản của tỉnh vào siêu thị, chợ đầu mối, nhất là các DN TPHCM để tiêu thụ, bao tiêu nông sản của tỉnh và xuất khẩu.

Tại các tỉnh, thành khác như Tiền Giang, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 62.080 tỷ đồng, tăng 9,7% so với năm 2018, đạt 100,1% kế hoạch năm; Cần Thơ ước đạt 134.303 tỷ đồng, tăng 11,43%; Kiên Giang đạt 108.264,70 tỷ đồng, đạt 100,06% kế hoạch và tăng 10,76%; Đồng Tháp đạt gần 90.000 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ. Việc hình thành thêm các chuỗi cửa hàng tiện ích đã tạo nên diện mạo mới cho hoạt động thương mại của Đồng Tháp.

Riêng tại TPHCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2019 ước đạt 1.177.154 tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm trước, trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 763.036 tỷ đồng, tăng 13,3% (cùng kỳ tăng 13,2%), chiếm 64,82% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (tỷ trọng năm 2018 là 64,13%). 

Đến nay, tổng số điểm bán của 4 chương trình BOTT là 10.983 điểm bán. Riêng chương trình lương thực - thực phẩm có 4.209 điểm bán, gồm 112 siêu thị - trung tâm thương mại, 554 cửa hàng tiện lợi, 938 điểm bán trong 122 chợ truyền thống, 2.605 điểm bán trong khu dân cư.

Trong đó, có 1.011 điểm bán tại các quận ven, huyện ngoại thành; 19 điểm bán phục vụ công nhân tại 11 khu công nghiệp, khu chế xuất, góp phần đưa hàng BOTT đến với người tiêu dùng TP.

Tăng kết nối xây dựng vùng nguyên liệu 

Mới đây, tại hội nghị sơ kết phối hợp thực hiện chương trình BOTT giữa TPHCM và các tỉnh, thành Tây Nam bộ, các đại biểu đều cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ tăng cao, ổn định trong năm 2019 và những năm gần đây là nhờ việc điều phối hàng hóa kịp thời, ổn định mặt bằng giá chung của toàn khu vực. 

Trong số 87 DN tham gia chương trình BOTT, hiện có 18 DN đầu tư nhà máy sản xuất, trang trại nuôi trồng hoặc liên kết xây dựng vùng nguyên liệu chủ yếu tại các tỉnh, thành.

Điển hình như Công ty CP Đầu tư Vinh Phát, Tấn Vương, Satra, Lương thực TPHCM đã tiến hành xây dựng vùng nguyên liệu, cơ sở sản xuất lúa gạo tại Đồng Tháp, An Giang… Công ty Ba Huân, San Hà đầu tư trang trại, nhà máy chế biến thực phẩm tại Long An; Công ty Vĩnh Thành Đạt xây dựng vùng nguyên liệu trứng vịt tại Sóc Trăng. Các DN như Vinamilk, NutiFood, Vissan, CJ Cầu Tre, Vĩnh Tiến, Minh Tiến, San Hà, Ba Huân… đã tích cực phát triển mạng lưới đại lý phân phối tại khắp các tỉnh, thành. Qua đó, sản phẩm BOTT của TP cũng được cung ứng rộng rãi đến các địa phương. Mặt khác, thông qua các hệ thống phân phối lớn của TP như Saigon Co.op, Big C, Fahasa… sản phẩm BOTT của TP cũng được đưa đến tận tay người tiêu dùng các tỉnh, thành. Riêng Saigon Co.op thực hiện hơn 500 chuyến bán hàng lưu động tại các địa phương để phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa.

Trong năm 2020, TPHCM và các tỉnh, thành thống nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, cải cách, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước lĩnh vực thương mại giữa các địa phương.

Thông qua các chương trình khảo sát thực tế tình hình thị trường, khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương… Các cuộc họp giao ban định kỳ, các chương trình, hội nghị sơ kết, tổng kết chương trình hợp tác công thương, kết nối cung - cầu... tại các tỉnh, thành nhằm đánh giá, đúc kết kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch, giải pháp phù hợp cho giai đoạn tiếp theo.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho hay, năm 2020, TP tiếp tục xây dựng, triển khai chương trình BOTT để mời gọi, khuyến khích DN thuộc các thành phần kinh tế có năng lực, uy tín, thương hiệu tham gia chương trình. Hỗ trợ các DN tiếp cận các nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, giới thiệu mặt bằng, đổi mới công nghệ… khuyến khích DN đầu tư tạo nguồn hàng, mở rộng mạng lưới phân phối, cải tiến quy trình công nghệ, đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm... Mặt khác, TP sẽ tiếp tục cập nhật, chia sẻ thông tin thị trường, điều phối hàng hóa, phối hợp xử lý biến động thị trường.

Trong sản xuất, TP sẽ thực hiện các chương trình đào tạo, hướng dẫn cho các DN, HTX, hộ nông dân về quy trình, kỹ thuật nuôi, trồng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap… Tiến hành xây dựng thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản, đặc sản ở từng địa phương, vùng miền.

Khuyến khích các DN TPHCM thực hiện ứng vốn, cung cấp giống cây, giống con, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ về nhân lực, kỹ thuật… và bao tiêu sản phẩm đạt chuẩn VietGap, GlobalGap, Haccp.

Đồng thời, thiết lập các chuỗi thực phẩm an toàn, kiểm soát chặt chẽ quá trình lưu thông hàng hóa xuyên suốt từ hoạt động sản xuất, nuôi trồng, hoạt động phân phối đến người tiêu dùng trên địa bàn.

Để chương trình phối hợp thực hiện BOTT giữa TPHCM và các tỉnh, thành đạt hiệu quả cao nhất, ông Phạm Tứ Phương, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long đề xuất, tiếp tục thực hiện các chương trình liên kết phát triển thương mại giữa các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL với TPHCM, tạo điều kiện cho các DN phát triển thị trường, thương mại trong và ngoài tỉnh, gắn kết giữa sản xuất - tiêu thụ.

Cần tổ chức nhiều hơn các chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa để các DN có thể đưa hàng hóa tiếp cận vào hệ thống phân phối hiện đại tại TPHCM, tiến tới xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.

Hơn 2.000 tỷ đồng/năm phát triển nguồn cung hàng hóa

Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh, chính sách thu hút đầu tư của mỗi địa phương, Sở Công thương TPHCM và sở công thương các tỉnh, thành Tây Nam bộ phối hợp triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN liên kết đầu tư phát triển sản xuất, phát triển hạ tầng thương mại, tiêu thụ hàng hóa; giúp DN an tâm đầu tư, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư nhà máy, mở rộng chuồng trại, ứng vốn cho nông dân trồng trọt, chăn nuôi; đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối. Đến nay, các DN BOTT của TP đầu tư 18 nhà máy, cơ sở sản xuất; 33 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng tại các tỉnh, thành Tây Nam bộ, tổng vốn đầu tư 12.066 tỷ đồng. Trong đó, liên kết cung ứng vốn cho nông dân chăn nuôi, trang trại rau sạch bình quân hơn 2.000 tỷ đồng mỗi năm.

Trong lĩnh vực thương mại, đến nay, hệ thống phân phối tại 13 tỉnh, thành Tây Nam bộ và TPHCM có tổng cộng 308 siêu thị, 71 trung tâm thương mại, gần 2.000 chợ truyền thống, hơn 3.500 cửa hàng tiện lợi. Trong đó, riêng TPHCM có 206 siêu thị, 49 trung tâm thương mại, 238 chợ truyền thống và 2.658 cửa hàng tiện lợi. Các hệ thống phân phối hiện đại của toàn khu vực có sự liên kết khá chặt chẽ, do hầu hết được đầu tư bởi một số nhà bán lẻ tiềm lực lớn, phần lớn có trụ sở tại TPHCM. Việc phát triển mạng lưới phân phối tại các tỉnh, thành trong thời gian qua đã giúp DN TP và các tỉnh, thành gắn kết, hợp tác hiệu quả; đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung ứng từ thu mua, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết lao động đến việc thực hiện nhiệm vụ BOTT tại địa phương và TPHCM.

Tin cùng chuyên mục