TPHCM và Hà Nội là hai địa phương giải ngân vốn đầu tư công nhiều nhất cả nước

Tính đến hết ngày 6-10, TPHCM đã giải ngân hơn 22.000 tỷ đồng, đạt 32% tổng số vốn đã giao. Tuy tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TPHCM còn khiêm tốn, nhưng xét về giá trị tuyệt đối số vốn đã giải ngân thì TPHCM và TP Hà Nội là hai địa phương giải ngân nhiều nhất cả nước.

Ngày 20-10, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố.

Dự và chủ trì có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy TPHCM chủ trì hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy TPHCM chủ trì hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, tổng số vốn đầu tư công năm 2023 của TPHCM là gần 68.500 tỷ đồng. Con số này gấp 2 lần kế hoạch đầu tư công năm 2022 và tương đương 10% tổng mức vốn đầu tư công của cả nước (711.000 tỷ đồng).

18 đơn vị chưa giải ngân đồng nào

Tính đến hết ngày 6-10, TPHCM đã giải ngân hơn 22.000 tỷ đồng, đạt 32% tổng số vốn đã giao. Tuy tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TPHCM còn khiêm tốn, nhưng xét về giá trị tuyệt đối số vốn đã giải ngân thì TPHCM cùng với TP Hà Nội là hai địa phương giải ngân nhiều nhất cả nước.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Có 8/60 đơn vị chủ quản, chủ đầu tư và 5/22 địa phương giải ngân đạt trên 51% (mức bình quân cả nước), với số tiền giải ngân hơn 2.400 tỷ đồng. Có 34/60 đơn vị chủ quản, chủ đầu tư và 17/22 địa phương giải ngân thấp hơn 51%, với số tiền đã giải ngân hơn 19.100 tỷ đồng. Có 18/60 đơn vị chủ quản, chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân, số tiền phải giải ngân là hơn 5.900 tỷ đồng.

UBND TPHCM chỉ ra một số nguyên nhân khiến 233 dự án giải ngân không đạt mục tiêu 95%. Đó là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Có 98 dự án không đảm bảo tỷ lệ giải ngân vì lý do này, với số vốn dự kiến không giải ngân là hơn 12.000 tỷ đồng, chiếm 17,6% tổng số vốn giao.

Về khả năng giải ngân đến hết năm 2023, có 1.807 dự án đã được các chủ đầu tư xác định sẽ giải ngân đạt 95% tổng kế hoạch vốn được giao là hơn 27.700 tỷ đồng. Có 233 dự án dự kiến giải ngân dưới 95%, với số vốn dự kiến không giải ngân được trong năm 2023 là hơn 19.500 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 28,4% kế hoạch vốn năm 2023 của thành phố.

Đề xuất vốn bồi thường “quá tay”, không giải ngân được

Nhiều dự án chưa được các quận, huyện, TP Thủ Đức và Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng của các địa phương khảo sát, tính toán kỹ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan báo cáo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan báo cáo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: VIỆT DŨNG

Việc này dẫn đến khi duyệt phương án bồi thường, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực tế thấp hơn rất nhiều so với dự án được duyệt dẫn đến không giải ngân hết vốn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được giao.

Thành phố có 12 dự án thuộc dạng này, trong đó có những dự án có giá trị thực tế thấp hơn giá trị dự toán rất lớn, như Dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Vành đai 3 với giá trị dự toán cho bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được duyệt là 18.975 tỷ đồng, trong khi thực tế giải chi dự kiến gần 11.000 tỷ đồng; số vốn 2023 dự kiến không giải ngân được là 3.251 tỷ đồng.

Dự án Xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, quận Tân Bình với giá trị dự toán cho bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được duyệt là 2.412 tỷ đồng, trong khi thực tế giải chi dự kiến gần 700 tỷ đồng; số vốn 2023 dự kiến không giải ngân được là 1.274 tỷ đồng.

Đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Dự án Xây dựng mới cầu Ông Nhiêu trên đường Nguyễn Duy Trinh với giá trị dự toán cho bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được duyệt là 449 tỷ đồng, trong khi thực tế giải chi dự kiến gần 88 tỷ đồng; số vốn năm 2023 dự kiến không giải ngân được là 381 tỷ đồng.

Dự án Xây dựng cầu Rạch Đĩa, quận 7 - huyện Nhà Bè với với giá trị dự toán cho bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được duyệt là 256 tỷ đồng, trong khi thực tế giải chi dự kiến gần 130 tỷ đồng; số vốn 2023 dự kiến không giải ngân được là 75 tỷ đồng.

Dự án Sửa chữa, nâng cấp đường Tỉnh lộ 8 (đoạn từ Tân Quý đến Tỉnh lộ 9) với giá trị dự toán cho bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được duyệt là 449 tỷ đồng, trong khi thực tế giải chi dự kiến gần 200 tỷ đồng; số vốn 2023 dự kiến không giải ngân được là 62 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số địa phương gặp khó khăn trong việc bàn giao, sửa chữa, cải tạo căn hộ tái định cư để đảm bảo tiến độ thực hiện của công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Có 7 dự án gặp phải khó khăn này, tập trung các dự án thuộc TP Thủ Đức, quận 11, huyện Nhà Bè.

Có 79 dự án, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức chậm thực hiện thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nên không có khả năng giải ngân cho phần vốn bố trí để thi công dự án. Số tiền dự kiến không giải ngân được vì nguyên nhân này là gần 5.700 tỷ đồng.

Lỗi của chủ đầu tư, nhà thầu: Không giải ngân được hơn 1.200 tỷ

Thành phố còn 28 dự án dự kiến giải ngân dưới 95%, nguyên nhân do lỗi chủ quan của các chủ đầu tư với số vốn dự kiến không giải ngân hơn 797 tỷ đồng.

Việc nhà thầu thi công không đủ năng lực tiếp tục thực hiện khiến cho chủ đầu tư 9 dự án phải xử lý các nhà thầu này, với số vốn không giải ngân được là hơn 416 tỷ đồng.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bên cạnh nguyên nhân về công tác bồi thường, có 19 dự án giải ngân dưới 90% do giá trị quyết toán thực tế dự án thấp hơn dự kiến đăng ký vốn của các chủ đầu tư, với số vốn không thể giải ngân là hơn 12 tỷ đồng.

Cũng liên quan đến thủ tục quyết toán dự án, TPHCM có 58 dự án dự kiến giải ngân dưới 95% do khả năng không kịp hoàn tất thủ tục quyết toán trong năm 2023, với số vốn dự kiến không giải ngân hơn 75 tỷ đồng.

Ngoài các dự án kể trên, TPHCM hiện có 16 dự án dự kiến giải ngân dưới 95% do chậm giải quyết các thủ tục liên quan với số vốn dự kiến không giải ngân là 310 tỷ.

Việc chậm thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch cũng khiến 4 dự án không giải ngân được, với số vốn hơn 45 tỷ đồng. Nguyên nhân là do UBND các địa phương chậm phối hợp với Sở QH-KT thực hiện điều chỉnh quy hoạch.

7 nguyên nhân khiến 233 dự án giải ngân dưới 95%:

- Bị ảnh hưởng bởi công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

- Chậm thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch

- Nhà thầu thi công không đủ năng lực tiếp tục thực hiện

- Do giá trị quyết toán thực tế dự án thấp hơn dự kiến đăng ký vốn của các chủ đầu tư

- Chậm thực hiện thủ tục quyết toán dự án

- Chậm thực hiện thủ tục khác có liên quan

- Do nguyên nhân chủ quan từ các chủ đầu tư

Tin cùng chuyên mục