TPP dưới góc nhìn pháp luật

TPP được đánh giá là một hiệp định sẽ dẫn tới những thay đổi lớn cho nền kinh tế đất nước cũng như toàn cầu. Nhưng chưa phải ai cũng hiểu TPP là gì, nội dung của nó ra sao cũng như những chính sách, quy định pháp luật nào có xu hướng thay đổi thay đổi khi TPP có hiệu lực. Để có thể tận dụng những lợi thế của TPP cũng như trang bị cho mình đầy đủ những yếu tố để có thể đón đầu cuộc “cách mạng” này thì những hiểu biết về pháp luật có thể coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất.

TPP, viết tắt của từ Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement (Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương), là một hiệp định, thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 12 thành viên của TPP bao gồm: Úc, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Việt Nam, Mỹ và Nhật Bản. TPP bao gồm 30 chương về thương mại và các vấn đề liên quan đến thương mại, từ thương mại hàng hóa đến hải quan và trợ giúp thương mại; biện pháp vệ sinh dịch tễ; rào cản kỹ thuật đối với thương mại; biện pháp phòng vệ thương mại; đầu tư; dịch vụ; thương mại điện tử; mua sắm công; sở hữu trí tuệ; lao động; môi trường; các chương “ngang” nhằm mục đích đảm bảo TPP tận dụng được các tiềm năng về phát triển, năng lực cạnh tranh, và sự toàn diện; giải quyết tranh chấp, các điều khoản ngoại lệ, và điều khoản thi hành.

Theo đó, một số các chính sách pháp luật sẽ có xu hướng thay đổi và cần phải chú trọng trong xu thế hội nhập này bao gồm:

Thứ nhất, chính sách về thuế và các thủ tục hải quan: Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Việc giảm thuế quan chắc chắn sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng trong luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam với giá cả cạnh tranh. Song song đó, với TPP, các doanh nghiệp sẽ rất dễ dàng tiếp cận với những thị trường rộng lớn, đồng thời bán được hàng trực tiếp và rất nhiều mặt hàng thuế sẽ giảm về 0%, thì mức lãi sẽ cao nhờ tiết kiệm chi phí.

Thứ hai, vấn đề tuân thủ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ: Bên cạnh các chính sách về thuế quan, chắc chắn một trong những vấn đề sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế của Việt Nam đó là tuân thủ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Chúng ta đều thấy, riêng một vấn đề bảo hộ sáng chế sinh học đã là một rào cản rất lớn, tốn nhiều công sức đàm phán trong vòng cuối cùng. Đối với các nước phát triển như Mỹ, Canada, Australia, Nhật Bản…, họ rất quan tâm đến vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ, và đó sẽ là điều kiện tiên quyết phải đảm bảo nếu muốn chính phủ và quốc hội của họ thông qua TPP.  Trong khi đó, thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ và quyền tác giả ở Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức và cũng chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Đó cũng là điểm yếu lớn nhất khiến công nghiệp sáng tạo Việt Nam khó phát triển. Không chỉ không bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chính mình, những hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam còn rất nhiều. Do đó, nếu bảo hộ chặt chẽ sẽ dẫn tới những khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam khi phải chi phí nhiều hơn trước đây cho cùng một loại sản phẩm. Dĩ nhiên, cần nhận thức đầy đủ rằng tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay cần phải được chấm dứt nếu muốn phát triển nền kinh tế một cách lành mạnh.

Thứ ba, vấn đề thực thi các yêu cầu cao về môi trường, lao động, cạnh tranh… và các ràng buộc mang tính thủ tục trong các quy định liên quan đến rào cản kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ. Trong các quy định trên, quy định về quy tắc xuất xứ nguyên liệu là đáng lưu ý nhất. Theo đó, sản phẩm dệt may của Việt Nam chỉ được miễn thuế khi nguyên liệu tự sản xuất hoặc nhập từ một nước cũng tham gia TPP. Đây là điều khoản khá bất lợi nhưng Việt Nam khi phải tìm nguồn nguyên liệu thay thế nguyên liệu đang nhập từ Trung Quốc. Nhưng Việt Nam vẫn có thể có 5 năm trước khi phải tuân thủ theo ROO.

Tóm lại, với TPP nói riêng và với xu hướng toàn cầu hóa nói chung, để nắm bắt được các cơ hội, loại bỏ thách thức, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bên cạnh việc cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh thì việc nâng cao hiểu biết về pháp luật, nắm bắt xu hướng các quy định này là những việc làm rất cần thiết. Với sự hỗ trợ từ các cá nhân, cơ quan liên quan cùng sự sát cánh cùng các đối tác, chuyên gia, tôi tin chắc rằng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng vững mạnh.

Luật sư ĐẶNG ANH ĐỨC
Trưởng VPLS Đặng và cộng sự

Tin cùng chuyên mục