Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã và đang là một chủ đề nóng trong nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn mà dường như cả nền kinh tế thế giới đều đang chọn giải pháp “tái cấu trúc”. Việt Nam đang đứng trước cơ hội thu hút FDI khi bước vào giai đoạn cuối trong ký kết, thực hiện các hiệp định thương mại lớn như FTA Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Sức hấp dẫn từ FTA, TPP
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài trong 4 năm qua đã tạo ra sự bất ổn cho nhiều nền kinh tế. Chính sự bất ổn này đã buộc các nước đang phát triển như Việt Nam, vốn cần rất nhiều FDI và đầu tư gián tiếp từ nước ngoài để duy trì tăng trưởng GDP và ổn định nền kinh tế nói chung, phải tự thay đổi mình để mong thu hút FDI. Và sự thay đổi này cần phải diễn ra nhanh chóng để có thể nắm bắt và tận dụng được cơ hội thu hút dòng vốn FDI trước khi hết khủng hoảng.
Tham luận tại Hội thảo Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài do Bộ Kế hoạch-Đầu tư tổ chức ở TPHCM vào tháng 1-2014, ông Christian Kamm, Chủ tịch Công ty Kamm Investment INC, cho rằng, chi phí lao động thường được xem là yếu tố quan trọng trong quyết định lựa chọn nơi đầu tư. Việc Tập đoàn Điện tử Samsung (Hàn Quốc) quyết định chuyển phần lớn cơ sở sản xuất điện thoại di động từ Trung Quốc sang Việt Nam để “duy trì lợi nhuận” cũng được quyết định bởi yếu tố nhân công tại Việt Nam hiện nay rẻ hơn Trung Quốc. Tuy nhiên, nhân công rẻ chưa phải là điều hấp dẫn cuối cùng để Samsung nhanh chóng đưa ra quyết định dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam. Điều hấp dẫn quan trọng chính là Việt Nam nằm trong một khu vực có thị trường tiêu thụ lớn và đang tham gia vào các hiệp định thương mại lớn như TPP. Việt Nam có vị trí ở gần một thị trường tiêu thụ lớn nhất và hấp dẫn nhất thế giới trong tương lai, với tầng lớp trung lưu lên đến 1,9 tỷ người. Việt Nam đang đàm phán tham gia TPP, các thành viên tham gia trong TPP chiếm khoảng 70% người tiêu dùng toàn cầu. Việt Nam cũng tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến sẽ được hình thành vào năm 2015…
Có thể nói rằng, chìa khóa để thành công trong thu hút FDI cho tất cả các nước là tham gia vào các hiệp định thương mại, các hiệp ước khu vực và toàn cầu nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn để phát triển. Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn từ TPP, FTA Việt Nam - EU, AEC… và nhiều khả năng TPP, FTA Việt Nam - EU sẽ được ký kết và có hiệu lực trong năm nay. Hiện nay, Việt Nam đã đón nhận sự dịch chuyển đầu tư mới từ một số nước lân cận.
Ông Christian Kamm cũng cho rằng, thu hút FDI là cuộc đua marathon chứ không phải là cuộc đua ngắn vì các nước luôn điều chỉnh chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng FDI. Khi tham gia vào các hiệp định thương mại quan trọng này, cùng với điểm mạnh về ổn định chính trị, kinh tế, Việt Nam sẽ có điều kiện cạnh tranh tốt hơn với các nước khác. Khi FTA, TPP chính thức có hiệu lực, tăng trưởng cân bằng trong FDI của Việt Nam sẽ trở thành hiện thực trong ngắn và trung hạn.
Hành động nhanh để thu hút FDI
Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để tăng trưởng thu hút FDI nhưng cần phải hành động nhanh hơn trong cải cách. Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay, khi nền kinh tế thế giới có dấu hiệu hồi phục thì cuộc cạnh tranh thu hút FDI giữa các nước càng trở nên gay gắt hơn. Việt Nam đã liên tục có sự thay đổi trong cải cách nhưng vẫn chưa tạo được đột phá lớn. So với nhiều nước trong khu vực ASEAN, thứ hạng cải thiện về môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn ở mức thấp. Theo bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) về môi trường kinh doanh toàn cầu, công bố tháng 10-2013, Việt Nam đứng 99/189 nền kinh tế, dù từ năm 2005 đến nay, Việt Nam đã thực hiện đến 21 cải cách, nhiều nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. So với nhiều nước trong khu vực ASEAN như Campuchia, Indonesia, Philippines thì Việt Nam vẫn chậm hơn trong cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, chúng ta cần đổi mới đồng bộ và nhanh hơn công tác quản lý nhà nước đối với FDI. Đổi mới cơ bản phương thức xúc tiến đầu tư, quan trọng nhất là quảng bá hình ảnh đất nước, địa phương, thông qua mạng internet cung cấp thông tin mà nhà đầu tư (NĐT) cần để lựa chọn dự án, quyết định địa điểm đầu tư; tiếp tục cải tiến công tác thẩm định dự án FDI theo hướng giảm thiểu thủ tục, hồ sơ, giảm thiểu thời gian thẩm định cấp phép để tạo điều kiện cho NĐT sớm đưa dự án vào kinh doanh; chính sách mới cũng cần coi trọng hơn việc hỗ trợ NĐT, phân loại các dự án FDI để có giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc…
Việt Nam đã và đang đặt quyết tâm lớn trong cải tiến chính sách để thu hút FDI. Khi đã có định hướng mới về FDI cần có nhận thức đúng về tác động của FDI, thống nhất hành động từ trung ương đến địa phương, đổi mới đồng bộ và nhanh hơn công tác quản lý nhà nước đối với FDI để khu vực đầu tư nước ngoài đóng góp nhiều hơn vào kinh tế đất nước.
NGUYỄN HỮU