Trong quá trình tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam sẽ gặp những thuận lợi và khó khăn gì? Trang Xúc tiến Công nghiệp - Thương mại, Báo SGGP giới thiệu ý kiến của LS Phạm Mạnh Dũng - LCT Lawyers, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế.
Cuộc cách mạng công nghệ
Nội dung quan trọng của Hiệp định TPP về đầu tư là các cam kết có liên quan tới tất cả các nội dung như: xác định các khoản đầu tư, đối xử quốc gia, tối huệ quốc, chấp thuận đầu tư, trưng thu, quốc hữu hóa, chuyển tiền, thế quyền, giải quyết tranh chấp... TPP khác với các Hiệp định thương mại tự do song phương, khu vực và Hiệp định WTO chỉ đề cập tới các hoạt động thương mại, dịch vụ có liên quan tới đầu tư. Như vậy, có thể nói đây là Hiệp định đa phương đầu tiên được thỏa thuận ký kết về đầu tư trong lịch sử thương mại và đầu tư quốc tế. Các nội dung cam kết về đầu tư có nội dung tự do hóa cao so với bất kỳ Hiệp định đầu tư song phương cũng như các Hiệp định thương mại cam kết liên quan tới đầu tư có từ trước tới nay.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2012, đã có 59 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 16,348 tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,59 tỷ USD, chiếm 34,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,9 tỷ USD, chiếm 11,9% tổng vốn đầu tư; Malaysia đứng thứ 10; Hoa Kỳ đứng thứ 13, Canada đứng thứ 25 và Autralia đứng thứ 28… Như vậy, có thể thấy được hoạt động đầu tư vào Việt Nam của các quốc gia tham gia Hiệp định TPP hiện là 49,1% trong tổng vốn đầu tư vào Việt Nam năm 2012. Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đến từ các nước tham gia Hiệp định TPP chiếm một tỷ trọng lớn cả về vốn đăng ký đầu tư và vốn thực hiện. Đầu tư từ các quốc gia này có công nghệ hiện đại. Nhiều tập đoàn, thương hiệu nổi tiếng từ các quốc gia TPP đã có mặt tại Việt Nam như: Burger King, Starbucks, KFC, Subway... đã tạo môi trường hấp dẫn đầu tư cho Việt Nam. Tính toán của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, tham gia Hiệp định TPP, Việt Nam kỳ vọng tăng xuất khẩu với cơ hội tiếp cận, tăng xuất khẩu vào thị trường của các nước TPP với hơn 700 triệu người, đóng góp 40% GDP và 1/3 kim ngạch thương mại toàn cầu, thuế suất của các nước gần như sẽ được cắt giảm toàn bộ. Việc ký kết TPP, những mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản... sẽ được cắt giảm thuế gia tăng cho thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ tạo cơ hội trong lĩnh vực này do được mở rộng tiếp cận thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Canada và các quốc gia thành viên TPP khác. Hiệp định TPP với nguyên tắc tự do trong hoạt động đầu tư tạo cơ hội thu hút vốn đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế tạo, các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao. Đối với đầu tư trong lĩnh vực viễn thông, tài chính ngân hàng, vận tải... Với nguyên tắc mở rộng hơn trong việc tiếp cận thị trường, Hiệp định TPP tạo cơ hội cho gia tăng đầu tư trong lĩnh vực này, đặc biệt thu hút vốn đầu tư từ các dự án tái đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Với nguyên tắc xuất xứ “nội khối” cho phép Việt Nam được tiếp cận công nghệ, thiết bị máy móc nguồn từ các nước phát triển có công nghệ phát triển hiện đại. Đây là cơ hội tạo ra một cuộc cách mạng trong công nghệ, tạo ra sự cạnh tranh tăng năng lực sản xuất cho các nhà đầu tư. Việc Việt Nam tham gia đàm phán TPP giúp cho các nhà đầu tư tiếp tục củng cố vị thế ở các thị trường truyền thống và tiếp cận các thị trường mới để đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu. Trong các nước đối tác TPP, nhiều nước là các cường quốc thương mại thế giới đồng thời là các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tham gia TPP, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn khi tiếp cận thị trường các nước đối tác khác.
Lo ngại đầu tư bị thu hẹp
Song hành cùng với những thuận lợi trên, việc mở cửa theo một hiệp định thương mại tự do tham vọng như TPP thì thách thức đặt ra cũng không nhỏ. Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh với những “người khổng lồ” đến từ các nước TPP ngay ở thị trường trong nước. Việc giảm thuế sẽ dẫn đến sự gia tăng các luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào nước ta với giá cả cạnh tranh. Hệ quả tất yếu là doanh nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, thị phần hàng hóa, đầu tư có nguy cơ bị thu hẹp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sự yếu kém về cơ sở hạ tầng và hạ tầng chính sách pháp luật, quản lý điều hành, cải cách hành chính cũng là rào cản, thách thức cho Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Một khó khăn nữa có thể gặp phải là trong khi TPP đang còn đàm phán thì nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã mạnh tay rót vốn vào những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhằm đón đầu cơ hội, trong khi đó hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam còn rất mơ hồ về TPP (xu hướng nhượng quyền thương mại của các thương hiệu lớn trong thời gian qua là một minh chứng). Điều này khiến cho các doanh nghiệp trong nước chưa tận dụng được cơ hội tốt khi Việt Nam tham gia TPP.
Đối với hoạt động đầu tư tại Việt Nam từ các nước không phải là thành viên của TPP, cũng có ảnh hưởng không nhỏ. Bởi nguyên tắc xuất xứ nội khối tạo ra cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những doanh nghiệp xuất khẩu sang các quốc gia thành viên TPP. Nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) là những quốc gia có tỷ trọng đầu tư lớn tại Việt Nam mà nguồn đầu vào không có đủ hàm lượng xuất xứ từ TPP không được hưởng ưu đãi từ Hiệp định này sẽ tạo sự cạnh tranh gay gắt đối với sản phẩm từ các nước thuộc khối TPP. Dịch vụ là mảng hoạt động đầu tư mà mức độ mở cửa thị trường của Việt Nam là hạn chế và dè dặt nhất. Với TPP, sự tham gia mạnh mẽ và tự do hơn của các nhà cung cấp có tiềm lực lớn, có kinh nghiệm lâu năm, có ưu thế về dịch vụ trên thế giới (đặc biệt là các nhà cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ) có thể khiến cho các đơn vị cung cấp dịch vụ của Việt Nam và các nhà đầu tư đến từ ngoại khối TPP gặp khó khăn trong cạnh tranh do có sự giới hạn phạm vi hoạt động dịch vụ. Các nhà đầu tư đến từ các nước ngoại khối TPP đầu tư tại Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước tham gia Hiệp định TPP sẽ phải đáp ứng các yêu cầu cao hơn so với các cam kết trong các Hiệp định thương mại WTO và các Hiệp định đầu tư từ trước tới nay như các quy định về yêu cầu tiêu chuẩn về môi trường và lao động công đoạn hay các thủ tục ràng buộc về ban hành và thực thi các quy định về phòng vệ thương mại... là những rào cản mà hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam lâu nay phải đối mặt ở các thị trường xuất khẩu.
Lạc Phong (ghi)