TPP và rào cản “SPS”

Tăng sức cạnh tranh hàng xuất khẩu
TPP và rào cản “SPS”

Tham gia vào Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp doanh nghiệp trong nước có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu và hưởng các loại ưu đãi về thuế. Tuy nhiên, nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều rào cản, bất lợi, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Đó là đánh giá của Th.S Nguyễn Việt Khoa, Giám đốc Trung tâm Tư vấn, bồi dưỡng pháp luật kinh doanh (Đại học Kinh tế TPHCM).

Nếu không chuẩn bị, ngành chăn nuôi sẽ gặp rào cản khi tham gia TPP. (Ảnh chụp tại Công ty Bò sữa TPHCM ở huyện Củ Chi). Ảnh: Phạm Cao Minh

Nếu không chuẩn bị, ngành chăn nuôi sẽ gặp rào cản khi tham gia TPP. (Ảnh chụp tại Công ty Bò sữa TPHCM ở huyện Củ Chi). Ảnh: Phạm Cao Minh

Tăng sức cạnh tranh hàng xuất khẩu

TPP là một hiệp định thỏa thuận thương mại tự do với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hiện tại, Việt Nam đang đàm phán để gia nhập. Là quốc gia được đánh giá được lợi nhiều nhất trong hiệp định này nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam có liên quan trực tiếp vẫn không thật sự hiểu về tầm quan trọng của hiệp định và tác động của nó tới tình hình sản xuất kinh doanh của mình, đặc biệt là ngành nông nghiệp Việt Nam.

Về cơ hội TPP dành cho ngành nông nghiệp Việt Nam, có thể nói đến là mục tiêu của hiệp định này xóa bỏ phần lớn thuế quan cho hàng hóa giữa 12 nước. Đây sẽ là con đường tốt hơn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng sức cạnh tranh về giá khi tiếp cận thị trường các nước đối tác TPP. Là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, lợi thế về thuế quan là rất quan trọng với hàng hóa Việt Nam, đặc biệt ở thị trường Mỹ và khu vực Bắc Mỹ. TPP là một cơ hội thực sự vì chưa bao giờ Việt Nam có được một vị thế tốt như hiện nay. Thứ hai, với việc mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước TPP (thông qua việc cắt giảm thuế quan và các điều kiện khác) sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn cho ngành nông nghiệp nước nhà và cả những mô hình, phương thức quản lý mới, hiện đại và hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, trong số các quốc gia tham gia TPP, Việt Nam là nước có trình độ phát triển thấp và đây cũng chính là thách thức lớn nhất đặc biệt đối với ngành nông nghiệp khi mà sản xuất còn manh mún, năng suất sản xuất thấp, chất lượng chưa đảm bảo đặc biệt là vấn đề thương hiệu ngành nông nghiệp quốc gia của Việt Nam chưa thể cạnh tranh với một số nước trong khu vực và trên thế giới. Tác động tổng thể của TPP đối với nền kinh tế Việt Nam là rất tích cực, song không có nghĩa đúng với mọi ngành, mọi doanh nghiệp, đặc biệt là đối với ngành nông nghiệp. Tham gia TPP khi người nông dân có sự cập nhật thông tin chậm, sẽ có khả năng mất thị trường, chịu áp lực cạnh tranh lớn thậm chí là thất thế về mặt pháp lý khi xảy ra tranh chấp và kiện tụng.

Xây dựng chiến lược sản xuất cụ thể

Bài học gia nhập WTO cho thấy khi không chủ động thì việc hội nhập sẽ chậm hơn và trong giai đoạn đầu thậm chí còn gặp phải những bất lợi. Lợi ích của việc hội nhập kinh tế quốc tế đem lại cho nền nông nghiệp Việt Nam còn thấp hơn so với tiềm năng thực tế, chính vì thế kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam chưa cao, khả năng cạnh tranh còn thấp, giá trị gia tăng thấp. Giá nhiên liệu dầu mỏ và giá phân bón có xu hướng gia tăng, làm giảm tăng trưởng GDP nông nghiệp và giảm đầu tư. Mở cửa hội nhập quá nhanh, người nông dân có thể không theo kịp; nhiều sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, năng suất lao động còn thấp, áp dụng tiến bộ khoa học hạn chế nên giá thành cao, thậm chí cao hơn so với các nền kinh tế lớn trong khu vực. Vì vậy, việc mở cửa thị trường ít nhiều sẽ tác động đến những sản phẩm hàng hóa này. Thêm nữa, có lẽ không có doanh nghiệp xuất khẩu nào không biết rằng thuế quan chỉ là một phần của câu chuyện xuất khẩu. Thuế giảm hoặc được loại bỏ hoàn toàn nhưng các quy định kỹ thuật khắt khe về bao gói, nhãn mác, về mức độ/dư lượng hóa chất tối đa trong sản phẩm, về tính hợp pháp của nguyên liệu sử dụng… có thể là những rào cản khiến hàng hóa Việt Nam, thậm chí là không có đường vào thị trường các nước TPP. Nông sản lại vướng ở những rào cản khác nghiêm trọng hơn nhiều, đặc biệt là rào cản về các biện pháp vệ sinh dịch tễ-thường biết tới dưới tên rào cản “SPS”. Trái cây không được kiểm dịch và chiếu tia theo đúng quy định, đúng người được Hoa Kỳ chỉ định thì không thể xuất khẩu sang thị trường này. Hải sản nếu vượt quá mức dư lượng kháng sinh mà nước nhập khẩu tự đặt ra sẽ có nguy cơ bị trả về… Những quy định rào cản nằm trong tay nước nhập khẩu này hoàn toàn có thể bị lạm dụng và trở thành rào cản không thể vượt qua đối với nông sản Việt Nam.

Như vậy, để những lợi ích thuế quan đối với nông sản của Việt Nam được hiện thực hóa, TPP cần có những cam kết ràng buộc và hạn chế quyền tự do, độc đoán của các nước TPP trong việc ban hành các quy định biện pháp kỹ thuật hay vệ sinh dịch tễ, nếu không được đàm phán quyết liệt cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và triển vọng của hàng nông sản. Hơn ai hết, họ là người hiểu rõ nhất khả năng của mình đến đâu, mình cần gì, mình sẽ phát triển như thế nào trong tương lai và chính sách thương mại thế nào thì sẽ thúc đẩy triển vọng của doanh nghiệp. Người nông dân cần có sự xây dựng những chiến lược sản xuất cụ thể để không chỉ tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm mà còn nhận được những ưu đãi tối đa của TPP, ví dụ như xây dựng nông nghiệp tập trung như nền kinh tế trang trại, hợp tác… Thiết nghĩ, người nông dân cần có sự truyền đạt được ý kiến, nguyện vọng của mình tới các nhà đàm phán để nhà đàm phán biết hết mọi điều, tính toán được hết mọi vấn đề để có chiến lược đàm phán phù hợp với lợi ích thực của mình trong từng vấn đề cụ thể.

LẠC PHONG (ghi)

Tin cùng chuyên mục