(SGGPO).- Phản ánh với PV Báo SGGP vào chiều 22-2, anh Bành Văn Đại (ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) cho biết, anh cùng nhiều hộ dân ở các tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng… làm thuê (đổ cọc bê tông, lắp đặt cọc bê tông…) cho Công ty Hải Dương (TPHCM) thi công công trình kè đê biển ấp Cồn Trứng, từ cuối tháng 10-2013 đến nay nhưng chưa nhận được đồng tiền công nào.
“Trước đó, khi công ty trúng thầu và giao cho ông Phạm Đại Phát ở Bình Phước đứng ra thuê chúng tôi làm công với giá 150.000 đồng/ngày thì họ trả tiền đều đặn trong thời gian đầu. Nhưng từ cuối tháng 10-2013 trở đi thì không ai chịu trả tiền cho chúng tôi nữa. Đến nay số tiền họ nợ tôi là hơn 46 triệu đồng, nhưng vẫn không trả, trong khi gia đình đang rất khó khăn vì không tiền chi tiêu”- anh Đại bức xúc.
Chị Đào Thị Sal (xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), than thở: “Vợ chồng tôi thuộc diện nghèo, không có đất đai, không nghề nghiệp nên đến đây làm thuê cho công ty Hải Dương. Vậy mà làm quần quật mấy tháng trời với hy vọng đến Tết công ty sẽ trả tiền để về quê ăn tết. Nào ngờ... đến tết nhưng vẫn không ai trả đồng nào khiến vợ chồng tôi đành “tạm trú” nhà bà con ở ấp Cồn Trứng vì không có tiền về quê. Bây giờ nợ tiền gạo, đường, thức ăn… nhiều nơi nhưng chưa thể thanh toán, bởi tiền làm thuê hơn 10 triệu đồng không lấy được”.
Không chỉ người nghèo làm công bị nợ kéo dài không trả, mà những hộ cho thuê nhà trọ, bán quán ăn, cho công ty kéo điện nhờ… cũng bị nợ và “quên trả”.
Bà Hà Thị Ra (ấp Cồn Trứng), bực tức: “Công ty Hải Dương khi xuống đây thi công bờ kè đề nghị tui cho kéo điện nhờ để hàn sắt, bê tông… Song, họ làm rồi thì đi mất, tiền điện đòi hoài không ai trả?”.
Theo thống kê sơ bộ, hiện nay Công ty Hải Dương nợ 13 hộ dân hơn 223 triệu đồng.
Anh Bành Văn Đại cho biết, hầu hết anh em đi làm thuê thuộc diện khó khăn, nên nhiều ngày qua đã liên hệ Công ty Hải Dương đề nghị trả tiền công nhưng đại diện công ty nói là đã trả tiền cho ông Phạm Đại Phát rồi nên không còn trách nhiệm. Trong khi đó, ông Phát nói công ty chưa đưa tiền cho ông, nên ông không thể trả cho anh em chúng tôi. Trước tình hình trên, anh em làm thuê chúng tôi đã gửi đơn đến báo chí và cơ quan chức năng địa phương nhờ can thiệp”.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Dương Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Trường Long Hòa, xác nhận, chuyện nhiều người dân làm thuê bị nợ 223 triệu đồng là có thật. UBND xã đã ghi nhận từng trường hợp và đa phần người làm thuê khó khăn, nhưng bị nợ tiền công quá lâu khiến họ không có tiền ăn tết, không có tiền về quê... Hiện tại, xã đã liên hệ với Công ty Hải Dương và yêu cầu sớm quay lại ấp Cồn Trứng để giải quyết nợ cho người dân. Nếu Công ty Hải Dương bảo đã chuyển tiền cho ông Phát (người mà công ty giao khoán) thì công ty có trách nhiệm buộc ông Phát phải trả đủ tiền làm thuê cho dân.
“Về quản lý nhà nước, chúng tôi chỉ biết Công ty Hải Dương trúng thầu thi công, nên phải làm tròn trách nhiệm. Trường hợp Công ty Hải Dương không giải quyết nợ cho người dân làm thuê, thì UBND xã sẽ kiến nghị các ngành chức năng tỉnh Trà Vinh không cho nghiệm thu công trình đối với công ty này”- ông Dương Văn Liệu khẳng định.
Được biết, gói thầu khắc phục sự cố sạt lở của công trình “kè đê biển ấp Cồn Trứng” dài 700m do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh làm chủ đầu tư, kinh phí xây dựng khoảng 27 tỷ đồng. 3 công ty trúng thầu thi công là Công ty CP Xây dựng Tiền Giang; Công ty TNHH XD Nông nghiệp và Công ty Hải Dương. Thời gian thực hiện từ tháng 3-2012, sau 1 năm sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, khi thực hiện xong thì chất lượng không đảm bảo nên các ngành chức năng buộc đơn vị thi công phải làm lại và đến cuối năm 2013 mới cơ bản xong, nhưng công trình vẫn chưa được nghiệm thu.
HUỲNH LỢI