Trách nhiệm để chậm thu phí không dừng

Cuộc họp giữa Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) với các bên liên quan về dự án thu phí không dừng giai đoạn 2 vào ngày 8-1 diễn ra trong bối cảnh dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 đã vỡ tiến độ, không thể đưa vào vận hành từ 31-12-2019 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng như cam kết trước đó của Bộ GTVT.

 Và, đặc biệt là cách đây ít ngày, Bộ GTVT đã đề xuất lên Chính phủ xem xét cho tăng phí sử dụng dịch vụ đường bộ để “cứu thua” cho phương án tài chính của một số dự án BOT.

Dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 (áp dụng cho quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên với tổng số 44 trạm) đã mất gần 3 năm vừa làm vừa tháo gỡ nhưng vẫn không thể hoàn thành đúng kế hoạch. Giải trình, Bộ GTVT đưa ra nhiều lý do khách quan, trong đó, nguyên nhân chính là do chưa bố trí được nguồn vốn để đầu tư hệ thống thiết bị tại các trạm thu phí, do hiệp định vay vốn các dự án đã hết. 

Nguyên nhân tiếp theo là do việc chuyển doanh nghiệp quản lý các dự án cao tốc (Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC) về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong khi quy định pháp luật về phân cấp, phân quyền giữa Bộ GTVT và ủy ban chưa rõ ràng.

Những vướng mắc về đàm phán tỷ lệ trích doanh thu giữa VEC và đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng cũng khiến dự án giậm chân tại chỗ. Đó là chưa kể nguyên nhân từ phía người sử dụng dịch vụ, khi số lượng phương tiện dán thẻ và nộp tiền vào tài khoản giao thông để tham gia dịch vụ thu phí tự động không dừng chưa cao... Bộ GTVT cho rằng, những nguyên nhân này xuất phát từ việc dự án thu phí không dừng lần đầu được triển khai tại Việt Nam, các cơ quan quản lý cũng như các đơn vị thực hiện đều chưa có kinh nghiệm. Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là, những kinh nghiệm được rút ra từ giai đoạn 1 dường như không giúp nhiều được cho giai đoạn 2 của dự án có tiến độ khả quan hơn.

Theo thông tin từ Bộ GTVT, dù đã không để một doanh nghiệp độc quyền cung ứng dịch vụ, tránh tình trạng các doanh nghiệp BOT phản ứng như giai đoạn 1, nhưng hiện giai đoạn 2 của dự án thu phí không dừng (gồm 33 trạm còn lại) đang gặp những vướng mắc mới. Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế và đã lựa chọn liên danh một số doanh nghiệp mạnh về công nghệ làm nhà đầu tư thực hiện dự án thu phí không dừng từ tháng 5-2019, nhưng đến thời điểm này, liên danh nhà đầu tư vẫn chưa hoàn thiện thủ tục thành lập doanh nghiệp dự án. Do vậy, dự án thu phí không dừng giai đoạn 2 chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện các bước tiếp theo, như: thiết kế bản vẽ thi công, ký hợp đồng tín dụng, thi công lắp đặt thiết bị...

Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2020 mới đây, lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận hiện còn những dự án BOT đang có diễn biến phức tạp, bị người dân phản ứng việc thu phí, chưa thể giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, việc đề xuất tăng phí BOT theo hợp đồng vừa được Bộ GTVT đề xuất lên Chính phủ bị nhiều ý kiến cho là chưa có cơ sở thuyết phục, do các cơ quan quản lý chưa đong đếm được chính xác doanh thu của các dự án BOT. Theo các chuyên gia, việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng là giải pháp hữu hiệu đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý doanh thu tại các trạm thu phí, từ đó xác định mức thu phí, thời gian thu phí chính xác cho tất cả các dự án BOT. Dự án còn chậm trễ ngày nào, các vấn đề bất cập của dự án BOT sẽ còn kéo dài thêm ngày đó. Người dân vẫn đang rất cần Bộ GTVT đưa ra lời hẹn chính xác cho việc triển khai toàn quốc thu phí không dừng; đồng thời, những tổn hại do dự án chậm trễ cần phải được quy trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức, cá nhân liên quan. Cần phải xác định rằng, các nguyên nhân khiến dự án chậm trễ là để Bộ GTVT và các đơn vị liên quan tìm cách khắc phục, chứ không phải đưa ra hòng giảm nhẹ trách nhiệm của mình.

Tin cùng chuyên mục