4 vụ tai nạn đường sắt (TNĐS) rất nghiêm trọng xảy ra liên tiếp trong vòng 4 ngày vừa qua đã thực sự gây chấn động dư luận với 2 người tử vong, 11 người bị thương, tài sản bị hư hỏng nặng gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Tuyến đường sắt Bắc - Nam bị tê liệt nhiều giờ. Càng chấn động hơn khi nguyên nhân trực tiếp của 3/4 vụ tai nạn này đều do hành vi của tổ chức, cá nhân ngành đường sắt vi phạm quy trình tác nghiệp. Điều này cho thấy ngành đường sắt đang có những lỗ hổng trong quản lý an toàn.
Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), 90% TNĐS là do lỗi khách quan, thế nhưng, nhìn lại các vụ tai nạn nghiêm trọng từ đầu năm có thể thấy, TNĐS do lỗi chủ quan chiếm tỷ lệ không nhỏ. Hồi tháng 2, ngành đường sắt từng khiến dư luận giật mình bởi sự cố hy hữu: 2 đoàn tàu suýt đâm nhau tại ga Dầu Giây (Đồng Nai). Nguyên nhân được xác định do lỗi chủ quan: ban lái tàu của tàu khách SE25 xác nhận nhầm tín hiệu. Đến ngày 24-5, tại Tĩnh Gia (Thanh Hoá) lại xảy ra vụ tàu khách đâm xe tải làm 2 lái tàu SE19 chết tại chỗ và hàng chục hành khách bị thương. Sau sự cố, 2 nhân viên gác chắn bị khởi tố và bắt tạm giam dường như cho thấy, lỗi của nhân viên đường sắt đã dẫn đến tai nạn thảm khốc này. Chỉ sau đó 2 ngày, 2 tàu hàng lại đâm nhau tại ga Núi Thành (Quảng Nam) ngày 25-5, cũng được cho rằng do lỗi của nhân viên đường sắt trong quá trình đón tàu, dồn tàu.
Tổng Công ty ĐSVN cho rằng nguyên nhân chủ quan là do có tình trạng lơ là, mất tập trung, cắt xén quy trình của một bộ phận người lao động, cán bộ nhân viên trong quá trình làm việc. Một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thu nhập người lao động đường sắt thấp, nhiều người bỏ việc dẫn đến phải tăng ca hoặc điều chuyển ở bộ phận khác sang nên thiếu kinh nghiệm xử lý...
Tuy nhiên, thật khó để cảm thông với cách biện giải, đổ lỗi cho người lao động. Ai là người phải chịu trách nhiệm về tình trạng này nếu không phải là những người đứng đầu ngành đường sắt? Ai là người chịu trách nhiệm về việc hàng ngàn lao động trong ngành không thể “toàn tâm, toàn ý” cho công việc mình làm, để xảy ra thảm họa quốc gia? Đã từng có lái tàu, phụ tàu… bị sa thải, nhưng đến thời điểm này thì chưa có lãnh đạo ngành bị xử lý kỷ luật khi có TNĐS nghiêm trọng xảy ra.
TNĐS liên tục xảy ra nghiêm trọng tới mức, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ kiêm Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông (ATGT) Quốc gia Trương Hòa Bình ngày 27-5, khi đang công tác tại TPHCM đã phải có công điện yêu cầu khẩn cấp thực hiện các giải pháp kiềm chế TNĐS. Thế nhưng, phải đến sáng ngày 28-5, trước sức nóng của dư luận sau 4 vụ tai nạn liên tiếp và câu hỏi về trách nhiệm của ngành, Bộ trưởng Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể mới có mặt tại ga Núi Thành để kiểm tra hiện trường và truy vấn trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan. Và đến chiều 28-5, Bộ GTVT có cuộc họp khẩn để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan đến 4 vụ TNĐS vừa qua. Tại cuộc họp, Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng Công ty ĐSVN phải nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan, đặc biệt, phải xử lý nghiêm người đứng đầu các đơn vị trực thuộc, người đại diện phần vốn của tổng công ty tại các đơn vị. Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục ĐSVN, Tổng Công ty ĐSVN triển khai nhiều giải pháp cấp bách như: tiến hành kiểm tra, rà soát toàn diện các quy trình tác nghiệp đón, tiễn tàu của nhân viên gác chắn đường ngang và các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu. Bên cạnh đó là rà soát lại hệ thống hạ tầng, thông tin tín hiệu liên quan đến công tác tổ chức chạy tàu để bổ sung, cải tạo kịp thời...
Với một hệ thống vận hành dựa trên con người nhiều như ngành đường sắt, rõ ràng, điều đầu tiên để khắc phục những hạn chế hiện hành chính là phải chấn chỉnh thái độ, tác phong trong công việc của người thực thi công vụ. Việc Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty ĐSVN nhận trách nhiệm về các vụ tai nạn đường sắt vừa qua cho thấy họ đã nhận thức sâu sắc được trách nhiệm của người đứng đầu. Tại nhiều nước trên thế giới, các quan chức đầu ngành đều phải đứng ra chịu trách nhiệm, thậm chí từ chức ngay nếu có sự cố nghiêm trọng xảy ra. Còn nhớ, Bộ trưởng Giao thông và người đứng đầu ngành đường sắt Ai Cập đã phải từ chức sau một tai nạn thảm khốc giữa xe buýt và tàu hỏa ở nước này vào năm 2012; nhiều quan chức ngành đường sắt Ấn Độ cũng đã từ chức sau hàng loạt TNĐS nghiêm trọng xảy ra hồi năm 2017...