Trách nhiệm ở đâu?

Đọc bài viết “Chia sẻ” trên Báo SGGP ngày 20-1, chúng tôi những người đứng trên bục giảng cảm thấy lòng mình xốn xang hơn vì câu chuyện tiền thưởng đối với nghề giáo. Hiểu rõ cái khó, cái khổ của nhà giáo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có bức thư ngỏ đề nghị lãnh đạo các tỉnh thành và cộng đồng doanh nghiệp cùng “chung tay” lo tết cho hơn 1 triệu giáo viên.

Sự kêu gọi những tấm lòng hảo tâm tuy có muộn màng nhưng thể hiện tấm lòng của người đứng đầu ngành giáo dục nước nhà, mong muốn những kỹ sư tâm hồn sẽ có “một cái tết ít thiếu thốn hơn ngày thường và để ít đi những giọt nước mắt phải chảy ngược vào trong mỗi khi tết đến”.

Thật cảm động trước nghĩa cử của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trong việc chia sẻ lộc xuân cho các nhà giáo nghèo. Nhưng với một vài tỷ đồng quyên góp được cũng chỉ đủ trợ giúp thêm cho mỗi giáo viên nghèo vài chục đến một, hai trăm ngàn đồng mua quà tết.

Đúng vậy, không phải giáo viên nào cũng có được “mâm cỗ” để có gì so sánh cao hơn hay thấp hơn những người làm ở ngành nghề khác trong xã hội. Nhìn mức thưởng do các doanh nghiệp, đơn vị công bố mức thưởng bình quân từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, chúng tôi chỉ biết ngậm ngùi, tự an ủi rằng nghề của mình là nghề “thanh cao”.

Đối với giáo viên ở các đô thị lớn, tiền lương, thu nhập phụ còn gói ghém tạm đủ sống và ngày tết ít nhiều còn được thưởng thêm khoảng vài trăm đến trên dưới 1 triệu đồng. Cũng có giáo viên nhận thêm được vài trăm ngàn đồng từ bàn tay chăm lo của ban đại diện cha mẹ học sinh của trường.

Còn đối với những giáo viên, đồng nghiệp của chúng tôi ở vùng sâu, vùng xa thì khó hơn, cực hơn. Họ phải vật lộn, bươn chải thêm mới có thể trụ lại với nghề vì ngoài đồng lương còm cõi, chẳng có thêm khoản thu nhập nào. Đã thế tiền lương, phụ cấp dạy thêm còn không được nhận đủ. Vì thế, năm hết tết đến họ chỉ mong sao nhận đủ số tiền lương, tiền trợ cấp dạy thêm, phụ trội… chứ nào mơ đến khoản tiền thưởng tết cao hay thấp.

Theo tôi, cùng với việc kêu gọi sự sẻ chia, sự quan tâm của xã hội chăm lo tết, mang hương xuân đến với 1 triệu giáo viên cả nước, đề nghị Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ, giải tỏa ngay việc nợ lương, phụ cấp của giáo viên ở 40 tỉnh thành. Tại sao lại để xảy ra tình trạng này? Trách nhiệm của ngành giáo dục, chính quyền các địa phương ở đâu khi chúng ta suốt ngày kêu gọi đầu tư cho giáo dục – sự nghiệp trồng người cao cả?

Không có lương thì nhà giáo sống bằng gì? Đã dấn thân và chọn cái nghề trồng người cao quý này, tất cả nhà giáo đều ước ao nhận được những đồng lương chân chính đủ để gắn bó với nghề, hết lòng với nghề. Nếu cứ phải nặng gánh chuyện cơm áo gạo tiền và sống bấp bênh vì không có tiền mua nổi một căn hộ nhỏ thì làm sao người thầy có có thể toàn tâm toàn ý, dốc sức cho từng giờ dạy hấp dẫn hơn chứ nói chi đến chuyện nâng cao tri thức, kiến thức phục vụ sự nghiệp đổi mới trồng người như xã hội mong muốn.

Đúng như ông bà ta đã nói: “Có thực mới vực được đạo”. Xã hội muốn có sản phẩm giáo dục tốt thì phải đầu tư cho giáo dục đúng tầm, đúng mức. Để giáo viên yên tâm công tác, gắn bó với nghề thì trước tiên nhà nước phải quan tâm cải thiện đời sống vật chất lẫn tinh thần của giáo viên bằng cách sớm điều chỉnh thu nhập, trả lương đủ sống đúng nghĩa. Đó là mong mỏi lớn nhất của những người lái đò đưa các thế hệ trẻ qua sông thời đất nước hội nhập, phát triển.

Thành Phước (TPHCM)

Tin cùng chuyên mục