Trai thời đại và cười hết răng

Nhà nhiếp ảnh trẻ tuổi khẩn trương cột dây giày, thu gom máy móc vô ba lô, lôi ra cuốn sách có tựa đề “Họ đã sống như thế”; cậu ta đã ký tên sẵn, chữ ký chạy giáp vòng trang đầu cuốn sách, khổ sách bự bằng chiếc khay uống trà, cỡ nửa tấm lịch tháng treo tường.
Trai thời đại và cười hết răng

Nhà nhiếp ảnh trẻ tuổi khẩn trương cột dây giày, thu gom máy móc vô ba lô, lôi ra cuốn sách có tựa đề “Họ đã sống như thế”; cậu ta đã ký tên sẵn, chữ ký chạy giáp vòng trang đầu cuốn sách, khổ sách bự bằng chiếc khay uống trà, cỡ nửa tấm lịch tháng treo tường.

Lê Giang (phải) và ông xã Lư Nhất Vũ.

Lê Giang (phải) và ông xã Lư Nhất Vũ.

Cậu ta ôm tôi vẻ hài lòng, tôi chắc là cậu ta đang nghĩ tới cái gạch đầu dòng có tên tôi đã biến thành dấu cộng trong tập ảnh thứ hai “Những người của công chúng” (!?). Cậu ta hẹn trở lại thăm cô chú (Lê Giang - Lư Nhất Vũ), và chắc là sợ tôi thắc mắc sao không đặc tả chú mà chỉ quay mòng mòng một mình cô? Cậu ta cười ra cái điều nhà tâm lý học: “Phần chú, cháu đã “bấm” chú lia chia trước Nhà hát lớn Hà Nội rồi, cô yên tâm!”.

Cậu ta bước phăng phăng ra đường trưa nắng gắt, sau lưng địu đứa con bảy, tám tuổi. Tôi trở vô nhà đâm lo đường sá giờ tan sở, nhìn xuống đường phát chóng mặt, thấy ớn quá!

Tôi lật sơ qua cuốn sách cậu ta tặng. Có biết bao nụ cười. Kiểu cười nào cũng không còn nguyên vẹn. Tôi phát buồn trong lòng, ngậm ngùi kéo tấm cửa tủ kính, tìm chỗ chưng cuốn sách “Họ đã sống…”, vui là vui gượng mà thôi!

Không biết cậu ta - chàng nhiếp ảnh trẻ tuổi đã đi đến đâu chiều hôm nay? Hay cậu ta cũng biết các nhân vật mà cậu ta cất công năn nỉ, cất công bắt ép cái gạch đầu dòng phải trở thành dấu cộng khá gian nan khi thực hành khoa mồm mép, để biến thành tấm ảnh cười cho mọi người cùng cười.

Những đề tài mà nhà nhiếp ảnh trẻ tuổi đặt ra cho tôi chuẩn bị, đều bị từ chối gắt gao - là lúc tôi chưa biết mặt cậu ta, nhưng tôi cũng đã hình dung: mặt mũi rám nắng, đầu tóc chơm bơm, râu ria mọc thả cửa, cố ý phong trần dày dạn, còn tánh tình thì nhẹ nhàng tế nhị! Nhưng sao cái cậu làm nghề chụp hình này lúc nào gọi điện thoại cũng “chỉ thị” trước cho tôi: Sáng nay cô với chú đi chợ cho con đặc tả đời thường của cô chú; chiều nay cô tưới cây nhé; hay là cắn bút suy nghĩ; có thể đang quây quần với các fan…

Trời đất ơi! Tôi khổ vì nhà nhiếp ảnh này quá, có lúc tôi không dằn được, tôi kiếm chuyện nói láo, mắc ở Đồng Tháp, mắc ở Quảng Bình, mắc có cuộc họp quan trọng (mặc dù cả chục năm nay tôi không mắc cuộc họp nào cả…). Tôi chỉ có “quan trọng” là tôi có nhiều bạn bè nhiếp ảnh thân tình, cùng có mặt trên các mặt trận qua hai mùa kháng chiến. Tôi chưa quen với nhà nhiếp ảnh nào “xưng con” với tôi. Dù vậy, trưa hôm nay tôi quên nấu cơm. Ừ, cứ ngồi ỳ ra đó mà mong “thằng con” nó trở lại, đặng mà “đời thường” với cậu ta.

Sáng nay cậu ta không “chỉ thị” gì trước cho tôi. Còn sớm bưng sớm bửng cậu ta hẹn 8 giờ tới, chỉ cần 10 phút chụp cô tấm hình là con dông! Nghe cậu ta “hăm he”, tôi cương quyết ra khỏi nhà trốn trước 7 giờ. Tôi dặn ông xã nói với cậu ta là tôi có buổi họp quan trọng và năn nỉ hãy bỏ kế hoạch chụp hình cô, cô chẳng có đời thường hay bất thường gì đâu, chấm dứt cái vụ này đi!

Tôi mau mắn mở cửa đi trốn, vừa chui ra đã có một chàng trai mặc áo sơ mi màu gạch tôm, mang kiếng đen đang đứng chần vần trước mặt. Cậu ta vừa tuột cái bòng nặng trĩu vừa mở miệng cười, hàm răng trắng xác, như đang giới thiệu kem đánh răng P/S.

- Con kiếm ai? - tôi hỏi.

- Con nè, con hẹn cô nè! Chàng trai nói như đinh đóng cột.

- Nhưng, cô nói với cháu sáng nay cô có cuộc họp không thể vắng mặt. Tôi ứng xử theo kiểu “lạc mềm buộc chặt” với cậu ta.

- Con sẽ không làm cô trễ họp. Xong việc, con sẽ đưa cô tới tận cuộc họp! Họp hành cả đời, cô tiếc với cháu năm mười phút làm gì?

Cậu ta kéo tôi vào nhà, cười khà khà “Như chưa hề có cuộc chia ly”. Tôi nghĩ, “chàng trai thời đại” bắt thóp bà già xưa bày đặt từ chối công việc mà lẽ ra bà phải động viên chúng. Từ đó, tôi hơi bị động với “thằng quỷ nhỏ” - anh chàng nhiếp ảnh - nói như nhạc sĩ Xuân Hồng: “Vừa chụp vừa giựt mới có hình ảnh sinh động tự nhiên”. Đầu tiên cậu ta biểu tôi cười xong thì bặm môi ngay, rồi dỗ tôi cười mím chi, còn động viên tôi cười nháy mắt.

Tôi giỡn: “Già cả cười nháy mắt cái chi mậy, mày làm như kiều nữ đóng phim”. Thấy tôi không chịu cười nháy mắt, cậu ta bèn kéo chú ra đứng gần cô, cô chú cứ “cười hết răng” cho con! Công nhận chàng trai nhiếp ảnh có tài, làm cô chú tức cười quá, không nhịn được phải cười khan hết cả răng. Kiểu cười như kéo dài vô thời hạn. Anh ta bấm răng rắc vô số kể rồi cười sằng sặc theo, xong kết luận: “Chỉ lấy mỗi tấm cười hết răng!”. Cậu ta còn cắc cớ chọc quê tôi: “Giờ thì con sẽ chở cô đi ăn liên hoan sau cuộc họp quan trọng!”.

…Gần cả năm nay rồi, nhà nhiếp ảnh trẻ chưa trở lại, tôi trông, tôi nhớ kiểu cách làm việc của một người con trai thời đại: Không chịu thua, không lùi bước trước những người già khó tánh thấy thương (lời cậu ta nhận xét). Có lần anh chàng trai trẻ đó than vắn thở dài khi làm cuốn sách “Họ đã sống như thế”, anh ta bị căng thẳng tinh thần và phải nghỉ một thời gian.

Nay làm cuốn “Người của công chúng” tưởng dễ và thật vui, ai ngờ cũng đã đụng phải những nghịch cảnh của những nhân vật anh ta đang tiếp cận. Anh ta than thở không hiểu sao “Người của công chúng” thường từ chối, kiểu như cô đã từ chối con bằng mọi lý do!? Lúc đó, tôi không cắt nghĩa lý do cho chàng trai, vì tôi nghĩ mỗi người đều có lý do riêng để được tách ra khỏi sự “xếp hàng vinh dự” khi tuổi đời của họ cho phép họ biết nhìn nhận thế nào là giá trị chân thật của công chúng dành cho họ. Tất nhiên, tôi đã chiều theo ý muốn của cậu ta, vì tôi kịp thấy nhà nhiếp ảnh trẻ tuổi này có một tâm hồn trong sáng đã bắt tôi phải tâm phục khẩu phục.

Bao giờ tôi cũng mong cậu ta đừng đem đi luôn nụ cười hết răng của tôi, vì cả đời tôi mới được thằng trai tốt bụng chọc tôi cười như vậy. Tôi tin rằng, ai xem ảnh tôi cười hết cỡ, họ đều phải cười theo… Và, tôi sẽ rất cảm ơn những tiếng cười theo, để tỏ lòng cảm ơn anh chàng nhiếp ảnh “kỳ cục” dễ thương hơn những người già khó tính dễ thương! Đó là Nguyễn Á.

Mũi Né mùa gió bấc.

Lê Giang (tặng N.A)

Tin cùng chuyên mục