Trấn an tạm thời: Chưa đủ!

Thị trường chứng khoán thế giới tuần qua khép lại với sự kiện 4 nước châu Âu Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bỉ cấm bán khống cổ phiếu ngân hàng ít nhất trong 15 ngày. Đây được xem là biện pháp “chữa lửa” để ngăn chặn việc bán tháo các cổ phiếu ngân hàng, khiến kênh đầu tư này trượt dốc thấp nhất trong hơn 2 năm qua. Truyền thông thế giới ngay sau đó đồng loạt đưa tin phản ứng tích cực từ thị trường. Thế nhưng, nhiều nhà phân tích chứng khoán bình luận đây chỉ là mô-típ quen thuộc của ngành truyền thông tài chính.

Sau những lời nhận định mang “sắc xanh” là những bài phân tích về hệ quả của biện pháp này. Trên Financial Times, Robert Pozen - Chủ tịch Tập đoàn Quản lý đầu tư toàn cầu MFS có trụ sở tại Mỹ đã có bài phân tích cho rằng, cấm bán khống cổ phiếu là quyết định sai lầm. Ông nhắc lại bài học ở thời điểm bùng phát khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu tháng 9-2008. Khi ấy, nhiều nước, trong đó có Mỹ và Anh đã tạm thời cấm bán khống đối với cổ phiếu tài chính nhưng kết quả không như mong đợi, các cổ phiếu này vẫn rớt giá do các nhà đầu tư đồng loạt rời bỏ thị trường.

Vì thế, ở thời điểm này, khi được phỏng vấn, người phát ngôn của Cơ quan Quản lý các dịch vụ tài chính Anh (FSA) nói rằng, cơ quan này không có kế hoạch ban hành lệnh cấm bán khống. Chỉ trong tuần vừa rồi, thị trường tiền tệ được cho là ở vào thời điểm vô cùng bất ổn khi có đến 49,8 tỷ USD đổ vào từ những nhà đầu tư ở thị trường chứng khoán. Đây là mức chuyển dịch lớn nhất kể từ đầu năm 2008.

Nhiều nhà phân tích thị trường cho rằng, bán khống là một trong những cách phản ánh trung thực thị trường và duy trì tính thanh khoản. Giáo sư Andrew W. Lo của Viện nghiên cứu Công nghệ Massachusetts (Mỹ) đã ví cấm bán khống cổ phiếu như là hành động “giấu đi máy theo dõi nhịp tim của một bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch vì không muốn y bác sĩ phân tâm khi xử lý bệnh tình”. Và dù cùng áp dụng cấm bán khống cổ phiếu tài chính, nhưng 4 nước châu Âu trên lại có cách định nghĩa khác nhau về loại hình cổ phiếu này. Ngoài ra, ở các quốc gia châu Âu khác, họ chưa nghĩ đến biện pháp cấm bán khống vì cho rằng không phù hợp với thể chế tài chính của mình.

Đến nay, chưa chính phủ nào có thể tự tin khẳng định rằng đã tìm được giải pháp triệt để đối phó với khủng hoảng tài chính. Trên Wall Street Journal, các nhà kinh tế thế giới cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lòng tin nghiêm trọng trong thị trường tài chính toàn cầu. Theo họ, các thị trường tài chính đã mất lòng tin vào khả năng những nhà hoạch định chính sách có thể xử lý vấn đề một cách hiệu quả. Năm 2008, các nước đều phản ứng thống nhất, nhưng hiện nay, sự căng thẳng, đặc biệt là sự căng thẳng giữa Mỹ và châu Âu về phản ứng của châu lục này trước cuộc khủng hoảng nợ công, đang chi phối cách thức xử lý vấn đề.

Tình trạng hoảng loạn trước cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 liên quan đến các thị trường, nhưng tình trạng hoảng loạn mới nhất trên thị trường tài chính thế giới là khủng hoảng trong các chính phủ của các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế đang phát triển lớn nhất. Điều các thị trường cần nhất bây giờ không phải là lời hứa hẹn mơ hồ, các biện pháp cứu trợ nhất thời mà là những giải pháp thiết thực và mang tính ổn định lâu dài.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục