Trận chiến bất tử

Góp phần làm nên chiến thắng lịch sử 30-4 năm 1975, đoàn tàu không số là một mũi tiến công quan trọng trên đường biển. Đoàn tàu không số đã chở hàng ngàn tấn vũ khí, đạn dược vượt qua mưa bom bão đạn chi viện chiến trường miền Nam.
Trận chiến bất tử

Góp phần làm nên chiến thắng lịch sử 30-4 năm 1975, đoàn tàu không số là một mũi tiến công quan trọng trên đường biển. Đoàn tàu không số đã chở hàng ngàn tấn vũ khí, đạn dược vượt qua mưa bom bão đạn chi viện chiến trường miền Nam.

  • Chuyến hàng đầu tiên

“Là chính trị viên của đoàn tàu không số, tôi cùng đồng đội có 9 lần vận chuyển vũ khí đạn dược vào các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Quảng Ngãi phục vụ cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968. Nhiều lần chạm trán với quân địch nhưng chúng tôi đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Dưới mưa bom bão đạn, đoàn tàu không số vẫn hiên ngang chở vũ khí đạn dược cho chiến trường miền Nam, góp phần vào ngày đại thắng”, ông Trần Ngọc Tuấn, nguyên chính trị viên tàu không số, tâm sự.

Đã hơn 40 năm nhưng ký ức về những tháng ngày vượt biển bằng trái tim quả cảm vẫn không nguôi ngoai. “Ngày ấy, được ra trận là niềm hạnh phúc của lớp lớp thanh niên. Đi khó tránh khỏi cái chết nhưng vẫn muốn đi. Do vậy, khi thắng lợi, ai cũng vỡ òa hạnh phúc”.

Ông Trần Ngọc Tuấn (bìa trái, hàng đầu) và các đồng đội trên đoàn tàu không số.

Ông Trần Ngọc Tuấn (bìa trái, hàng đầu) và các đồng đội trên đoàn tàu không số.

Ngày 23-10-1962, thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân quyết định thành lập Đoàn 759 với mật hiệu là Đoàn tàu không số. Đoàn tàu có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng bí mật vận chuyển vũ khí đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau đó ít ngày, ông Trần Ngọc Tuấn và những đồng đội của ông thực hiện chuyến đi đầu tiên. Chiếc tàu gỗ chuyên chở vũ khí xuất phát từ cảng Hải Phòng. Sau nhiều ngày đêm, tàu đến bến Văn Lũng (tỉnh Cà Mau). Biết kế hoạch vận chuyển vũ khí đạn dược của ta, bọn địch đã thành lập “lực lượng đặc nhiệm 115”. Chúng huy động lực lượng Hạm đội 7 với các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất như máy bay, tàu thủy tuần tra, ném bom ngày đêm trên vùng biển chúng nghi ngờ.

  • Nước mắt Đặng Thùy Trâm

Tháng 3-1968, tàu mang mật danh 43 của ông được giao nhiệm vụ vận chuyển vũ khí đến huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Thời điểm bấy giờ, ông Tuấn là chính trị viên và ông Nguyễn Đắc Thắng là thuyền trưởng. Ông Tuấn kể tiếp: “Khi tàu chúng tôi hành quân vào cửa biển Quảng Ngãi thì bị máy bay địch phát hiện. Thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng đã cho tàu thả trôi và chỉ đạo anh em ra lan can câu cá để đánh lạc hướng chúng. Ông Thắng điều khiển tàu chạy lòng vòng trên biển, mãi đến đêm thứ 3, khi tạm yên, ông Thắng điều khiển tàu vào được vùng biển Quảng Ngãi. Khi còn cách bến khoảng 15 hải lý, 2 chiếc tàu của địch bất ngờ xuất hiện phía trước. Dù chúng tôi báo tín hiệu là tàu đánh cá nhưng bọn địch vẫn bắn xối xả vào tàu. Thuyền trưởng Nguyễn Đức Thắng ra lệnh: “Tất cả vào vị trí chiến đấu. Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Quyết tâm giữ tàu”. Trên trời máy bay địch ném bom, dưới biển tàu địch bắn xối xả. Trận chiến diễn ra quyết liệt. Xạ thủ Nguyễn Văn Tiến chỉ huy súng cao xạ 12,7 ly bắn cháy một máy bay HD-1A của địch. Cùng lúc, một tiếng nổ lớn vang lên phía trái tàu của ta. Trong cơn nguy kịch, thuyền trưởng Thắng đã hạ lệnh nhanh chóng chuyển thương binh tử sĩ xuống thuyền đưa vào bờ và hủy tàu.

Tàu không số vận chuyển vũ khí vào miền Nam. Ảnh: T.L.

Tàu không số vận chuyển vũ khí vào miền Nam. Ảnh: T.L.

Ông Tuấn rơm rớm nước mắt khi hồi tưởng những ngày ông và đồng đội được bà con thôn Quy Thiện, xã Phổ Hiệp, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi chở che đùm bọc. Ông kể: “Nhờ trời tối, chúng tôi dùng thuyền nhỏ đưa thương binh vào bờ an toàn. Chúng tôi đã được bà con thôn Quy Thiện cứu giúp, đưa xuống hầm bí mật. Căn hầm của tôi ở dưới chuồng trâu. Bọn chúng lùng sục khắp nơi. Tiếng giày đinh giậm rầm rập trên nắp hầm bí mật. Tôi cùng đồng đội, trong đó có một vài người bị thương đã ở dưới hầm suốt 10 ngày đêm. Vết thương của tôi bị lở loét nghiêm trọng. Sau khi bọn chúng bỏ đi, chúng tôi được bà con địa phương đưa đi bệnh xá của chị Đặng Thùy Trâm. Tôi sống được là nhờ chị Trâm và các y tá ở bệnh xá Bắc Mười”.

Sau khi được cứu chữa lành vết thương, ông Tuấn cùng đồng đội vượt Trường Sơn trở về đơn vị. Ngày chia tay, bà con thôn Quy Thiện bịn rịn tiễn chân. Ông Tuấn là người sau cùng được chị Đặng Thùy Trâm nắm chặt tay và căn dặn: “Nhớ gửi lời tới hậu phương. Hẹn gặp các đồng chí trong ngày thống nhất”, rồi chị Trâm bật khóc.

MAI THẮNG

Tin cùng chuyên mục