Tràn lan thuốc kém chất lượng

Tăng chóng mặt
Tràn lan thuốc kém chất lượng

Sau loạt bài Những “khoảng mờ” thị trường dược phẩm (đăng 11 và 12-10 trên Báo SGGP), dư luận rất quan tâm và phản ánh còn nhiều “khoảng mờ” nữa cần được mổ xẻ, đặc biệt là tình trạng thuốc kém chất lượng cho lưu hành tràn lan. Thời gian qua nhiều loại thuốc kém chất lượng, thuốc giả, thuốc có tác dụng phụ nguy hại liên tục bị phát hiện và thu hồi khẩn cấp. Đáng lo hơn, nhiều loại thuốc trước khi bị phát hiện kém chất lượng đã được cấp phép lưu hành, chứng nhận chất lượng và cũng đã tới tay của rất nhiều người bệnh.

Mua thuốc tây chữa bệnh là nhu cầu bức thiết của người dân. Ảnh: Kim Ngân

Mua thuốc tây chữa bệnh là nhu cầu bức thiết của người dân. Ảnh: Kim Ngân

Tăng chóng mặt

Thời gian gần đây Cục Quản lý Dược, Sở Y tế một số tỉnh thành liên tiếp ra quyết định về đình chỉ lưu hành, thu hồi và cảnh báo thuốc kém chất lượng, thuốc giả. Thống kê cho thấy, nếu như năm 2009, Cục Quản lý Dược chỉ ra quyết định thu hồi 105 số lô thuốc không đạt thì tới năm 2010 đã có hơn 900 loại thuốc bị thu hồi. Còn từ đầu năm 2011 tới nay, đặc biệt là từ tháng 6-2011 trở lại đây, gần như tuần nào, Cục Quản lý Dược hay Sở Y tế ở các địa phương cũng có vài quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi thuốc kém chất lượng. Trong đó chỉ riêng Sở Y tế Hà Nội cũng đã ra thông báo thu hồi 13 lô thuốc không đạt chất lượng về chỉ tiêu định lượng, 15 lô thuốc không đạt về chỉ tiêu độ hòa tan, còn lại là không đạt các tiêu chí khác.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc Hà Nội cho biết, trong vòng một năm qua, qua kiểm nghiệm 350 mẫu thuốc nhập khẩu, phát hiện 12 mẫu không đạt chất lượng, chiếm 3,4%, tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước không đạt tiêu chuẩn chất lượng cũng chiếm 1,2%.

Trong khi đó, đánh giá mới đây của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cũng cho thấy, tình trạng thuốc kém chất lượng, thuốc giả đang gia tăng một cách đáng lo ngại. Chỉ trong 3 năm trở lại đây, số thuốc bị phát hiện kém chất lượng và thuốc giả phải thu hồi tăng đều từng năm. Nếu như năm 2008, hệ thống kiểm nghiệm cả nước đã phát hiện 840 mẫu thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, trong đó thuốc nhập khẩu là 94 mẫu, thì tới năm 2009, số thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng bị phát hiện đã tăng lên 1.051 mẫu, trong đó 139 mẫu thuốc nhập khẩu, tiếp đến tới năm 2010, số thuốc không đạt chất lượng bị phát hiện cũng lên tới trên 1.000 sản phẩm.

Thừa và thiếu

Đáng lo ngại hơn, những loại thuốc kém chất lượng, thuốc giả lại không cố định, hay tập trung ở một nhóm nào mà rất đa dạng, phong phú. Không chỉ thuốc sản xuất trong nước mà thuốc ngoại nhập, từ tân dược đến đông dược, từ nhóm cảm cúm, hạ sốt, chống viêm thông thường cho tới những loại kháng sinh ngoại nhập, thuốc đặc trị, thậm chí là thuốc bổ, vitamin, thuốc tiêm cũng phát hiện thuốc kém chất lượng và thuốc giả.

Theo Thạc sĩ Phương còn cho biết, thuốc không đạt chất lượng không chỉ khiến bệnh tật người bệnh thêm trầm trọng mà còn có thể gây thêm bệnh cho người bệnh nếu như bản thân viên thuốc bị nhiễm các vi khuẩn có hại hay nấm mốc.

Lý giải trước tình trạng gia tăng các loại thuốc kém chất lượng, một số chuyên gia dược phẩm nhận định, thị trường dược phẩm Việt Nam liên tục phát triển, với hàng trăm loại thuốc được cấp số đăng ký mới và lưu hành mỗi năm, đồng nghĩa với việc thuốc giả, thuốc kém chất lượng gia tăng. Cùng với đó, việc quản lý, kiểm soát, hậu kiểm chất lượng thuốc của cơ quan chức năng vẫn còn lỏng lẻo. Trong số hàng ngàn loại thuốc khi bị phát hiện kém chất lượng và phải xử lý thu hồi trong thời gian qua thì phần lớn trước đó đều đã được Cục Quản lý Dược hay Sở Y tế ở địa phương thẩm định về chất lượng, cấp số đăng ký và cho phép lưu hành. Như vậy, phải chăng khi doanh nghiệp đưa sản phẩm thuốc tới cơ quan chức năng để làm thủ tục đăng ký chất lượng lưu hành, nhà quản lý lại không thẩm tra, tìm hiểu rõ ràng thực tế chất lượng của thuốc, nên để những loại thuốc “thừa nguy hại thiếu tác dụng” lọt ra thị trường? Thậm chí mới đây, còn có một số loại thuốc ngoại nhập dù đã bị các cơ quan chức năng ở nước ngoài cảnh báo về những phản ứng nguy hại và cấm lưu hành, nhưng Cục Quản lý Dược lại rất chậm trễ trong việc thu hồi, cấm sử dụng.

Đáng trách hơn, ngay cả khi cơ quan chức năng đã cấp phép lưu hành, sau đó ban hành quyết định yêu cầu thu hồi loại thuốc vì không đảm bảo chất lượng, cũng không hề đề cập tới việc phải khắc phục, giải quyết hậu quả với người bệnh khi đã phải sử dụng loại thuốc không an toàn. Không chỉ có vậy, ngay cả các doanh nghiệp cũng chỉ nhận được thông báo thu hồi thuốc chứ thực tế chưa có doanh nghiệp nào bị xử phạt vì thu hồi chậm thuốc kém chất lượng, nên việc họ kéo dài thời gian thu hồi để tiêu thụ thuốc kém chất lượng là điều dễ hiểu. Bởi vậy, việc thu hồi thuốc mới chỉ được tiến hành trên lý thuyết và hậu quả là mỗi năm, cả nước có hàng trăm vụ ngộ độc thuốc do phản ứng phụ, thuốc giả, thuốc kém chất lượng gây ra, trong đó không ít trường hợp phải mang tật suốt đời, thậm chí tử vong.

Nguyễn Quốc

Những “khoảng mờ” thị trường dược phẩm

- Đề nghị lập hội đồng thẩm định cấp số đăng ký thuốc

- Bài 2: Chiến lược gia công và “cắt lô”

Bài 1: Xin cho và xí phần

Tin cùng chuyên mục