Trăn trở phía sau cầu Rạch Miễu

Gần 20 ngày đi vào hoạt động, Phòng thí nghiệm đặc biệt theo dõi chất lượng hoạt động của cầu Rạch Miễu đặt ngay gần cầu vẫn ghi những điểm tốt cho cây cầu này. Đây là một phòng thí nghiệm do Công ty VSL của Thái Lan thiết lập theo yêu cầu của Việt Nam để theo dõi chất lượng cầu Rạch Miễu trong quá trình thi công cũng như khai thác sau này.

Nỗi trăn trở...  phía dưới cầu

Ngày 5-2, chúng tôi có mặt tại cầu Rạch Miễu và chứng kiến không còn cảnh tắc nghẽn hoặc buôn bán, xả rác bừa bãi trên cầu như những ngày Tết Kỷ Sửu. Theo ông Trần Anh Dũng, Giám đốc Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu, đơn vị đã cùng với 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre ra quân dọn dẹp vệ sinh cầu. Hai tỉnh cũng đã bố trí lực lượng cảnh sát để đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho cầu Rạch Miễu.

Hiện tại nơi đây không còn người buôn bán, không còn tình trạng dừng, đậu xe trên cầu không đúng quy định để ngắm cảnh và chụp ảnh…giao thông trên cầu đã thông suốt. Thực tế, nỗi bức xúc bây giờ không còn ở trên mặt cầu nữa mà là ở dưới cầu…

Cầu Rạch Miễu nối 2 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và bắc qua 2 cù lao Thới Sơn của tỉnh Tiền Giang và cù lao Tân Vinh của tỉnh Bến Tre. Đi qua 2 cù lao này, cầu Rạch Miễu đều có 2 nhánh dẫn xuống địa phận dân cư sinh sống…

Trước khi có cầu Rạch Miễu, nơi đây như 2 hoang đảo, dân cư rất thưa thớt, đặc biệt là cù lao Tân Vinh do quá nhỏ, chỉ dài và rộng khoảng hơn 1 km nên rất hiếm người đến sinh sống. Tuy nhiên, khi cầu Rạch Miễu hoàn thành thì 2 cù lao với 4 bề là nước sông Tiền bao quanh mát rượi… bỗng trở nên đắt giá, nhất là cù lao Thới Sơn, vì cù lao này khá rộng với diện tích tự nhiên là 1.100 ha (bao gồm cả đất và kênh rạch), trong đó có 650 ha đất thổ cư, ruộng, vườn...

Thật ra, ngay khi cầu Rạch Miễu mới được khởi công xây dựng, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã nhìn thấy viễn cảnh tươi đẹp này. Tỉnh đã có dự án xây dựng nơi đây thành một khu du lịch sinh thái với người dân Thới Sơn vừa là chủ nhà, vừa là người tham gia tổ chức các dịch vụ du lịch đặc trưng của miền sông nước Nam bộ để phục vụ du khách. “Dân ở đây hoan nghênh dự án này quá xá”, ông Phan Minh Thanh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - một người gốc Thới Sơn nói bộc trực với chúng tôi như vậy.

Thế nhưng, mọi chuyện đã chựng lại khi có nhiều nhà đầu tư muốn “lấy” cả cù lao Thới Sơn rộng lớn để xây dựng khu du lịch và di dời người dân vào sống tập trung ở một vị trí nhỏ hẹp nhất định. Khi kể đến chi tiết này cho cho chúng tôi, khuôn mặt ông Phan Minh Thanh cũng như ông Nguyễn Phục Dũng, Chủ tịch UBND xã Thới Sơn (cù lao Thới Sơn nằm gọn trong xã) và ông Nguyễn Thế Lương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thới Sơn, đều tỏ ra rất bức xúc.

Ông Dũng nói: “6.000 dân Thới Sơn sống chủ yếu bằng nghề trồng cây nhãn. Vườn nhãn của họ rộng cả chục công đất. Họ đã hy vọng cải tạo lại mảnh vườn để vừa thu hoạch nhãn vừa phục vụ du lịch. Nay phải đến sống tập trung lại một nơi với khoảng 300m2 đất/hộ dân, thì họ biết lấy gì mà sống? Cầm vài trăm triệu đồng tiền đền bù, ăn mà không có nghề làm thì ăn mãi cũng hết. Còn hy vọng được làm việc trong khu du lịch cao cấp thì quá xa vời, vì họ khó đáp ứng được yêu cầu”.

Ông Dũng đã đưa chúng tôi đi xem bảng quy hoạch khu du lịch sinh thái theo hướng của tỉnh treo trước cổng UBND xã Thới Sơn nay đã bạc màu vì nắng mưa và nói: “Chúng tôi chỉ mong được làm theo quy hoạch này”.

“Hãy để cho nông dân chúng tôi đổi đời theo nhịp sống và phát triển của đất nước” - ông Nguyễn Thế Lương tâm tư.

Chờ Hàm Luông và Cổ Chiên

Theo ông Nguyễn Như Thạo, Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án 7 - đơn vị quản lý dự án xây dựng cầu Rạch Miễu cho biết, còn phải hoàn thành thêm cầu Hàm Luông và cầu Cổ Chiên thì quốc lộ 60 (bắt đầu từ ngã ba Trung Lương của tỉnh Tiền Giang đi qua tỉnh Bến Tre, xuống tỉnh Trà Vinh và tỉnh Sóc Trăng) mới thông suốt.

Trục đường này hoàn thành thì hàng hóa từ Sóc Trăng, Trà Vinh chở lên TPHCM có thể đi qua đây mà không phải nối đuôi quốc lộ 1A vốn đã quá tải. Và không chỉ thế, đi theo trục đường này, các phương tiện giao thông sẽ rút ngắn hành trình được khoảng 70km so với đi quốc lộ 1A. “Đến lúc đó thì ý nghĩa của việc xây cầu Rạch Miễu đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của đồng bằng sông Cửu Long mà cụ thể là 3 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng mới trọn vẹn” - ông Nguyễn Như Thạo khẳng định.

Cầu Hàm Luông rộng 16m, có 4 làn xe với nhịp cầu chính dài tới 150m cũng do Ban quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư. Hiện nay cầu này đã thi công được hơn 60% và dự kiến đến tháng 10-2009 sẽ thông xe. Cầu Cổ Chiên, chậm hơn một chút, đến 2010 mới khởi công xây dựng, nhưng cũng sẽ hoàn thành khoảng 2 năm sau đó. 

NGUYỄN KHOA 

Tiền Giang - Bến Tre xây dựng phà Bình Tân qua sông Tiền

(SGGP). – Tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre vừa thống nhất phương án xây dựng bến phà Bình Tân qua sông Tiền, đoạn từ cù lao Lợi Quan, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang sang huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

Vị trí hai đầu bến phà Bình Tân được đặt tại vàm Cả Thu (xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông) và vàm Bình Trung (xã Định Trung, huyện Bình Đại) với chiều dài toàn tuyến là 3,5 km.

Đ.TUYỂN

Tin cùng chuyên mục