Trăn trở phục hồi chợ nổi Ngã Bảy

Một thời vàng son
Trăn trở phục hồi chợ nổi Ngã Bảy

Chợ nổi là nơi tụ họp buôn bán nông sản của nông dân vùng bốn bề sông nước. Qua mấy trăm năm, chợ nổi  không chỉ đơn thuần là “chợ”. Đó còn là sự độc đáo trong văn hóa kinh tế thương hồ của người xưa ở vùng đất phương Nam. Việc phục hồi chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang) có tuổi đời cả trăm năm đang tạo nhiều chú ý trong dư luận.

Một góc chợ nổi Ngã Bảy…

Một góc chợ nổi Ngã Bảy…

Một thời vàng son

Ở Nam bộ có nhiều chợ nổi nhưng không chợ nào “nổi” bằng chợ Ngã Bảy (thị xã Ngã Bảy -  Hậu Giang) về quy mô, sự sung túc cũng như cái danh, cái thế của nó. “Ngày trước, vùng tâm chợ Ngã Bảy có trên 1.000 ghe tàu lớn nhỏ; dịp cao điểm tết có khi đến hơn 3.000 chiếc; đò ngang cũng hàng trăm chiếc. Đêm xuống đèn dầu, đèn bình giăng giăng bập bềnh theo sóng nước suốt canh thâu như hội hoa đăng, thật kỳ thú...”- ông Bảy Khánh đã hơn 80 tuổi, người xã Đại Thành, bồi hồi nhớ lại. 

Chợ nổi Ngã Bảy có tuổi đời cả trăm năm, nằm ngay giữa 7 nhánh sông chảy đi 7 hướng, tạo nên một khung cảnh thơ mộng. Người phát hiện và đưa chợ nổi Ngã Bảy vào khai thác du lịch là ông Dương Văn Đầy, người gốc Phụng Hiệp, từng làm Giám đốc Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist). Thời hội nhập địa danh này còn xuất hiện trên hầu hết các trang web, sách hướng dẫn du lịch trong ngoài nước... “Hỡi con sông Phụng Hiệp chảy ra bảy ngã thì lệ tôi cũng lai láng muôn dòng...”. Chợ nổi Ngã Bảy càng vang danh hơn khi bản vọng cổ “Tình anh bán chiếu” của soạn giả tài hoa Viễn Châu (1961), qua giọng ca đầy mê hoặc của nghệ sĩ Út Trà Ôn. Nhiều du khách nước ngoài từng nhận xét chợ nổi Thái Lan không đẹp và quy mô bằng chợ nổi Ngã Bảy, dù họ tốn kém rất nhiều để phục hồi, đa dạng sản phẩm cho ngành du lịch.

Tuy nhiên, hơn 10 năm trở lại đây, kể từ khi chợ nổi Ngã Bảy được dời về vàm Ba Ngàn, cách vị trí cũ khoảng 3km để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, cũng là lúc sự sung túc của chợ giảm dần. Các phương tiện vận tải thủy và số hộ tham gia mua bán trên sông ngày càng giảm và khách tham quan du lịch cũng thưa dần. Người dân địa phương cho biết, số phương tiện tham gia mua bán hiện tại chỉ còn khoảng 50% so với trước kia, khách tham quan ngày một ít. Nguyên nhân chủ yếu là do vị trí họp chợ không thuận lợi, thiếu không gian và không có hệ thống giao thông đường bộ…

Châu về hợp phố?

Sau cả trăm năm phát triển, chợ nổi Ngã Bảy đã “trôi” vào dĩ vãng? Ngã Bảy “xa rồi” đã tạo áp lực không nhỏ cho chính quyền địa phương. Thậm chí  trang web của tỉnh Hậu Giang từng mở cả chuyên mục để thu thập ý kiến rộng rãi về việc “đi” hay “ở” của chợ nổi Ngã Bảy.

Nên phục hồi lại chợ nổi Ngã Bảy, nếu cần, Tổng cục Du lịch sẽ góp kinh phí. Đó là ý kiến của bà Võ Thị Thắng, khi còn là Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, sau khi chợ nổi Ngã Bảy đã được di dời. “Để phục hồi chợ nổi Ngã Bảy, trước tiên phải cần ít nhất trên 50 tỷ đồng” - ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ, lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết như vậy. Số tiền đó để giải tỏa dân, làm âu thuyền, bến bãi. Dưới sông cũng phải tính toán phân luồng cụ thể.

Gần đây, sự việc lại được xới lên. Tại Đại hội Đảng bộ thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang), tổ chức vào giữa tháng 6, nhiều ý kiến đề xuất nhanh chóng khôi phục chợ nổi Ngã Bảy để khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch, thương mại - dịch vụ của địa phương. Ngày 26-7-2012, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Hậu Giang tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp khôi phục, bảo tồn và phát huy chợ nổi Ngã Bảy gắn với phát triển du lịch sông nước miệt vườn”. Trong hội thảo có ý kiến cho rằng, hệ thống giao thông đường bộ phát triển mạnh, xu thế kinh doanh “mua tận gốc, bán tận ngọn” như hiện nay, thì dù dời chợ về vị trí cũ cũng không thể tạo được thời “hoàng kim” của nó.

Tuy nhiên, việc khôi phục chợ nổi Ngã Bảy vẫn nhận được đa số ý kiến đồng thuận từ các chuyên gia, giảng viên các trường đại học, doanh nghiệp lữ hành tại TPHCM và nhiều tỉnh - thành trong khu vực, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL… Ông Trịnh Quang Hưng, Bí thư Thị ủy Ngã Bảy, chia sẻ: “Khôi phục lại chợ nổi Ngã Bảy là mong muốn của nhiều người nhưng bảo tồn chợ cũng phải tính đến bảo đảm giao thông, quy luật phát triển kinh tế - xã hội vì đường bộ ngày càng thuận lợi, yếu tố thị trường (liên kết dưới sông trên bờ, phương thức “xuồng qua xuồng” nhiều khi không còn đảm bảo độ tươi nguyên của trái cây…). Để giải quyết nhiều cái khó trên, địa phương không thể làm được mà rất cần sự hỗ trợ của các ngành, các cấp”.

Để chợ nổi trở lại sung túc như xưa, các đại biểu đề nghị nên đưa chợ về vị trí cũ đồng thời kết hợp khai thác thêm các ngành nghề truyền thống (đan đác, đóng ghe thuyền…), tạo ra sản phẩm lưu niệm phục vụ khách tham quan. “Phân luồng, cắm biển báo ghe tàu lớn trong thời gian chợ nổi hoạt động. Chỉ cần sau 2-3 năm tái hoạt động, chợ sẽ phát triển hoành tráng”- ông Trương Văn Ngon, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Cần Thơ, nhận định. “Các chủ ghe phải đóng một khoản kinh phí khi vào chợ hoạt động và người ta dùng tiền này lập các đội gom vớt rác thải trên sông” - Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt Phan Huê góp ý. Và cũng nên có khu vực dành cho bán lẻ bởi chính hoạt động này mới tạo nên sinh khí, sức sống của chợ; mới tái hiện lại thói quen, tập quán, cái chất “nguyên sơ” thời khai phá...

Rõ ràng vấn đề không chỉ là kinh tế mà còn là văn hóa, tầng sâu văn hóa bản địa, không riêng của Hậu Giang mà cả đất đồng bằng 300 năm. Liệu “Châu có về hợp phố”?

Vũ Thống Nhất

Tin cùng chuyên mục