Trần Trọng Tân - Chân dung một nhà lý luận hoạt động thực tiễn

Đồng chí Trần Trọng Tân tên thật là Trần Trọng Hoãn, sinh ngày 15 tháng 10 năm 1926, tại xã Tân Mỹ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Hơn 70 năm hoạt động cách mạng không mệt mỏi từ những ngày tiền khởi nghĩa đến kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, từ chiến trường đến chốn lao tù khốc liệt, từ thời chiến đến thời bình với nhiều bước ngoặt chuyển mình của đất nước, đồng chí Trần Trọng Tân đã trọn vẹn với Đảng, với dân, trọn tình với gia đình, đồng đội.
Trần Trọng Tân - Chân dung một nhà lý luận hoạt động thực tiễn

Đồng chí Trần Trọng Tân tên thật là Trần Trọng Hoãn, sinh ngày 15 tháng 10 năm 1926, tại xã Tân Mỹ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Hơn 70 năm hoạt động cách mạng không mệt mỏi từ những ngày tiền khởi nghĩa đến kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, từ chiến trường đến chốn lao tù khốc liệt, từ thời chiến đến thời bình với nhiều bước ngoặt chuyển mình của đất nước, đồng chí Trần Trọng Tân đã trọn vẹn với Đảng, với dân, trọn tình với gia đình, đồng đội.

Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh đồng chí Trần Trọng Tân (15-10-1926--15-10-2016), Báo SGGP trân trọng giới thiệu bài viết " Trần Trọng Tân - Chân dung một nhà lý luận hoạt động thực tiễn" của PGS-TS Phan Xuân Biên, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương.

Đồng chí Trần Trọng Tân phát biểu tại một hội thảo khoa học tháng 1-2009

1. Thừa hưởng truyền thống yêu nước của quê hương, gia đình, đồng chí Trần Trọng Tân đến với cách mạng từ rất sớm và vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam khi vừa tròn 20 tuổi. Năm 24 tuổi đồng chí được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị. Từ năm 1955 - 1959, đồng chí tham gia công tác tuyên huấn của Đảng. Năm 1961 đồng chí được phân công làm Ủy viên Thường trực Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Năm 1967 đồng chí được điều động vào hoạt động bí mật ở Sài Gòn với nhiệm vụ Phó ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Bí thư Đảng ủy cánh Tuyên huấn nội thành, Bí thư Ban Cán sự văn nghệ sĩ, Bí thư Ban Cán sự báo chí ký giả nội thành. Sau 6 năm bị giặc bắt giam cầm, tháng 6-1975 trở về, đồng chí được phân công làm Trưởng ban Tuyên huấn Thành ủy TPHCM. Đến năm 1981 đồng chí được điều động ra Hà Nội làm Phó ban Tuyên huấn Trung ương, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (1986). Năm 1991, đồng chí được điều động về TPHCM, giữ trọng trách Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy cho đến lúc nghỉ hưu năm 1997. Sau khi nghỉ hưu, Thành ủy TPHCM đề nghị đồng chí tiếp tục giúp Thành ủy một số vấn đề về công tác tư tưởng của Đảng bộ. Ngoài nhiệm vụ là chủ biên công trình Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (1930-1975), đồng chí thường xuyên gắn bó với hoạt động của Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy cho đến ngày đi xa… Khi tiễn biệt đồng chí về với ông bà tổ tiên, trong điếu văn truy điệu, đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng ban Lễ tang đã nhấn mạnh: “Cả cuộc đời tham gia cách mạng, chưa bao giờ anh rời xa công tác tuyên giáo của Đảng; bởi theo anh, làm công tác tuyên giáo buộc phải học, phải nâng cao hiểu biết về nhiều mặt, phải tu dưỡng nhân cách, đạo đức, lối sống, làm sao để nói người ta muốn nghe, viết người ta muốn đọc, để qua đó mà người ta tin vào sự lãnh đạo của Đảng”. Chính điều đó đã tạo nên chân dung Trần Trọng Tân “Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, một tượng đài trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng” (nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ghi sổ tang); “Một cán bộ xuất sắc của Đảng, một nhà tư tưởng lý luận tâm huyết…; người anh lớn, người trưởng ban tài năng, trách nhiệm và kính yêu, gần gũi của đội ngũ những người làm công tác tư tưởng, văn hóa, công tác tuyên giáo của Đảng” (đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương ghi sổ tang).

Là người gắn bó với công tác tư tưởng của Đảng trong nhiều thời kỳ, đồng chí Trần Trọng Tân đã tích lũy bao kinh nghiệm và truyền lại cho những người kế nhiệm, cho lớp trẻ.

2. Ngay từ những ngày mới tham gia công tác Tuyên giáo, đồng chí đã luôn gắn bó với công tác nghiên cứu và phổ biến lý luận. Năm 1959, khi bắt đầu làm công tác Tuyên giáo ở Vụ Huấn học Ban Tuyên huấn Trung ương, đồng chí đã xuất bản tác phẩm lý luận đầu tiên Chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội (NXB Sự Thật - Hà Nội). Khi là Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương thời kỳ đầu đổi mới, đồng chí đã tập trung nghiên cứu nhiều vấn đề về lý luận, tư tưởng. Kết quả nghiên cứu của đồng chí đã được đăng tải trong 2 tác phẩm: Góp phần đổi mới công tác lý luận tư tưởng (NXB Chính trị quốc gia - 1995, tái bản 1996) và Về công tác tư tưởng và văn hóa (NXB Tổng hợp TPHCM - 1999). Khi nghỉ hưu, có nhiều thời gian đọc nhiều, viết nhiều, đồng chí tham gia Hội đồng Lý luận Trung ương khóa 1 (1996-2001), là cộng tác viên của Hội đồng Lý luận Trung ương trong nhiều nhiệm kỳ…

Có thể khái quát những đóng góp quan trọng của đồng chí Trần Trọng Tân trong công tác nghiên cứu lý luận như sau:

- Đồng chí đã tập trung nghiên cứu, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề cơ bản về nền tảng tư tưởng của Đảng ta là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng chí đã có nhiều bài viết sâu sắc, cụ thể về tư tưởng Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam, về xây dựng Đảng. Trong những năm là Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa của Đảng, đồng chí là người chịu trách nhiệm chính trong việc chỉ đạo tập hợp, chọn lọc, biên tập để xuất bản tác phẩm Hồ Chí Minh toàn tập.

- Một đóng góp đáng kể của đồng chí Trần Trọng Tân về lý luận là nghiên cứu về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta qua cách nhìn nhận về mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, trong đó thực tiễn được coi là người nhận xét khách quan, nghiêm túc nhất. Từ sự vận động sinh động của thực tiễn, nhất là thời kỳ đổi mới, đồng chí đã có những điều chỉnh, bổ sung trong công tác nghiên cứu lý luận của mình.

- Khi đương chức cũng như lúc đã nghỉ hưu, đồng chí quan tâm đặc biệt đến vấn đề lý luận và thực tiễn của công tác xây dựng Đảng trên tất cả các mặt. Đồng chí đã viết, đóng góp nhiều ý kiến quý báu vào việc bổ sung và phát triển cương lĩnh, điều lệ Đảng, các văn kiện đại hội và Hội nghị Trung ương; trực tiếp chủ biên công trình “Lịch sử Đảng bộ TPHCM” (1930-1975) khá đồ sộ. Đồng chí còn phản biện, tranh luận thẳng thắn, đúng nguyên tắc về những vấn đề lịch sử Đảng, lịch sử kháng chiến về đường lối xây dựng Đảng, về nguyên tắc hoạt động của chính đảng Mác-xít chân chính…

- Công tác nghiên cứu lý luận của đồng chí Trần Trọng Tân qua các thời kỳ, ở những cương vị khác nhau đều gắn liền với nhu cầu thực tiễn và nhằm vào mục đích giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống. Đặc biệt, theo đồng chí, công tác tư tưởng - lý luận phải hướng đến xây dựng lòng tin cho đảng viên, nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Cho nên nhiều người đánh giá đồng chí Trần Trọng Tân là “một nhà lý luận hoạt động thực tiễn”.

PGS-TS PHAN XUÂN BIÊN
Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

Tin cùng chuyên mục