Mấy ngày qua, nước lũ liên tục lên nhanh khiến những cánh đồng (ngoài vùng quy hoạch sản xuất lúa) tại các huyện Tịnh Biên, Châu Đốc, An Phú, Tân Châu... tỉnh An Giang mênh mông nước. Nguy hiểm hơn, sau khi xả đập Tha La, Trà Sư, nước ào ào đổ về vùng tứ giác Long Xuyên, đe dọa hàng loạt tuyến đê bao, hàng chục ngàn hécta lúa vụ 3 có nguy cơ bị chìm trong lũ.
- Châu Đốc trong biển nước
Tại An Giang, chính quyền địa phương đang huy động tối đa lực lượng, phương tiện khẩn trương gia cố, nâng cấp hệ thống đê bao, cống đập, hệ thống tiêu chống úng suốt ngày đêm. Đồng thời lực lượng chức năng cũng triển khai nhiều biện pháp bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng của người dân, giữ trẻ mùa lũ, đưa trẻ đến trường.
Chiều 23-9, tại cánh đồng lũ mênh mông giáp ranh giữa huyện Tịnh Biên và thị xã Châu Đốc, nước kênh Tha La vẫn cuồn cuộn đổ về. Tuyến đê Tha La dài 8km, bảo vệ gần 6.000ha lúa thu-đông đầu nguồn thuộc thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang đang oằn mình trước sự tàn phá của sóng, nước lũ nhiều ngày qua. Hiện thân đê bị sạt lở nghiêm trọng, cao trình đê đang bị nước lũ lên nhanh, uy hiếp từng ngày. Chính quyền địa phương đang huy động hàng trăm người cùng nhiều phương tiện, máy móc ngày đêm gia cố, nâng cấp, bảo vệ an toàn cho tuyến đê này.
Chiếc vỏ lãi xé nước lũ đưa chúng tôi đến khu vực nguy hiểm nhất của tuyến đê, có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào tại ấp Cây Trâm, xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc. Mặt nước đang ngấp nghé mặt đê. Tại đây, khoảng 150 người cùng 4 xe cuốc, 2 xe công nông đang tất bật gia cố đê.
Đang hối hả đóng cừ tràm, lấp bao cát vào phần thân đê bị xói lở, anh Cao Văn Cường nói: “Từ sáng sớm đến giờ, chúng tôi làm kè tạm bảo vệ thân đê, đắp đất nâng cao mặt đê được hơn 200m tại khu vực bị lũ đe dọa nhiều nhất. Hiện tại mực nước ngoài đê khoảng 3,7m (cao hơn năm trước 1,4m), bên trong đê là cánh đồng lúa vụ 3 mới gieo sạ khoảng 3 tuần. Trước tình hình lũ hiện tại, người dân rất lo lắng, do vậy bằng mọi giá phải bảo vệ đê”.
Túc trực xuyên suốt, trực tiếp chỉ huy việc bảo vệ đê, ông Ngô Hữu Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc cho biết: Từ khi xả đập Tha La, mực nước lên rất nhanh uy hiếp sự an toàn cho toàn bộ hơn 2.000ha lúa vụ 3 mới triển khai năm đầu tiên của 2 xã Vĩnh Tế và Vĩnh Phú. Trước tình hình này, chúng tôi đã huy động lực lượng túc trực bảo vệ đê suốt 2 tuần nay. Tuy nhiên, nước lũ diễn biến phức tạp, chúng tôi đã cầu viện lực lượng quân đội và hôm nay 24-9 sẽ được tiếp ứng.
Chiều 23-9, ông Đỗ Vũ Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang cho biết: Toàn tỉnh có 130.000ha lúa vụ 3. Trong số này hiện có khoảng 7.000ha lúa mới mở rộng sản xuất lúa vụ 3 tại thị xã Châu Đốc, huyện Châu Thành và Tịnh Biên bị lũ đe dọa. Hiện tại các địa phương đang quyết liệt gia cố đê bao, cống đập, chống úng... bảo vệ lúa vụ 3.
- Đồng Tháp: Vỡ đê, 200ha lúa vụ 3 mất trắng
Chiều 23-9, một đoạn đê xung yếu thuộc khu 2, xã Tân Hội, thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp đã bị vỡ. Chỉ trong 30 phút, hơn 20m đê bao bị phá tung, nước tràn vào nuốt chửng toàn bộ 200ha lúa vụ 3 đang kỳ trổ đồng, ước thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng Trong khi đó, 2.600ha lúa vụ 3 nằm trong đê bao của xã Thường Phước 2 và Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) cũng đang nằm trong tình trạng “5 ăn 5 thua”, trong đó đa phần là lúa đang làm đòng. 10.000 cây cừ tràm, 1.000m³ cát cùng 36.000 bao cát đã được gia cố con đê dọc theo tỉnh lộ 814.
Theo ông Nguyễn Văn Buôn, Phó phòng NN-PTNT huyện Hồng Ngự diễn biến lũ như hiện nay và theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn đến cuối tháng 9 mực nước lũ đạt 4,7m thì tuyến đê dài 7km phải được gia cố bằng cừ tràm. Ngày 23-9, huyện đã huy động lực lượng tại chỗ 500 người, túc trực những đoạn xung yếu phòng nước rò rỉ hoặc sụt lún thân đê. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão xã và huyện thành lập đội lưu động có máy cưa cây xách tay để huy động lượng cây trong dân, tập kết đến chỗ cần gia cố. Một số cơ sở kinh doanh nằm dọc tỉnh lộ 814 có xáng cạp cũng tự nguyện tham gia gia cố đê.
Ông Buôn cho hay, nếu vỡ đê thì 2.600ha lúa của người dân sẽ mất trắng, thiệt hại khoảng 26 tỷ đồng. Khi gia cố bằng cừ tràm xong, nếu mực nước lũ lên 4,7m vào cuối tháng thì phải đắp cao thêm, vì hiện nay những đoạn đê cao nhất chỉ cách mực nước lũ 6 – 8cm.
Tương tự, tại huyện Tân Hồng, hàng trăm người dân không ngại ngày đêm tham gia cùng lực lượng của Tiểu đoàn 502 (Quân khu 9), Tỉnh đội Đồng Tháp, Bộ đội Biên phòng Đồng Tháp gia cố đê bao ở những vùng có nguy cơ sạt lở cao. Đặc biệt, người dân đã tự nguyện đóng góp phương tiện, dụng cụ gia đình để bảo vệ đê. Anh Duyên Lào Hía, ngụ ấp Chiến Thắng, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng cho biết, gia đình đã đầu tư hơn 40 triệu đồng để sản xuất lúa vụ 3, nước lên nhanh nên anh rất lo lắng, nếu vỡ đê chắc phải đi nơi khác làm thuê kiếm sống.
BÌNH ĐẠI