Cũng chính vì thế mà nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) thẳng thắn cho rằng, cần khắc phục tình trạng tận dụng quyền được ưu tiên tranh luận để phát biểu, nói nôm na là “chen luận”. Một số ý kiến đề nghị quy định ĐB chỉ tranh luận với các ĐB đã phát biểu ý kiến trước đó. Cũng có ý kiến cho rằng, không nên quy định ĐB phát biểu sau được tranh luận với ĐB phát biểu trước, bởi mỗi người có một góc nhìn riêng. Lại cũng có ĐB cho rằng, khi tranh luận có thể chỉ cần nêu vấn đề mà không cần nêu cụ thể tên ĐB tranh luận…
Nhằm tăng tính tranh biện, làm rõ các vấn đề được xem xét và góp phần làm cho phiên họp sôi động, hiệu quả hơn, dự thảo Nghị quyết về sửa đổi nội quy kỳ họp lần này đã quy định nguyên tắc điều hành phiên họp. Theo đó, chủ tọa, người điều hành mời ĐB đã đăng ký tranh luận kịp thời về nội dung trả lời của người được chất vấn hoặc ý kiến của ĐB phát biểu trước đó; yêu cầu ĐB dừng tranh luận hoặc dừng phát biểu nếu ĐB phát biểu/tranh luận quá thời gian hoặc không đúng nội dung. Khi có nhiều ĐB đăng ký tranh luận về cùng vấn đề đang được chất vấn thì ĐB đã nêu chất vấn về vấn đề đó được ưu tiên tranh luận trước.
Tuy thế, trong không khí khẩn trương, sôi động của các phiên chất vấn và thảo luận toàn thể, việc có đạt được mục tiêu không để xảy ra “chen luận” hay không còn phụ thuộc rất lớn vào sự sắc bén, quyết đoán của chủ tọa, người điều hành phiên họp. Nội quy không quy định bắt buộc phải nêu tên ĐB được tranh luận, song để bảo đảm không có tình trạng tranh thủ phát biểu ý kiến mà không thực sự tranh luận, thì việc nêu tên ĐB mà mình muốn được tranh luận là cần thiết, giúp chủ tọa kịp thời can thiệp trong quá trình điều hành.