Trao quyền cho “sếu đầu đàn”

Dự thảo mới nhất Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quy mô lớn (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) xây dựng) đã đề xuất 7 DNNN để phát triển thành DN “tỷ đô” ở các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. 

So với dự thảo trước đó (tháng 12-2020), có 4 DN được đề xuất thêm, gồm: Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Các DN được đề xuất đợt đầu là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Viễn thông MobiFone và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Tiêu chí để lựa chọn nhóm DN này có sự thay đổi so với dự thảo trước: tiêu chí về vốn điều lệ được thay đổi bằng tổng tài sản và hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE). Để được lựa chọn, các DNNN phải có tổng tài sản trên 20.000 tỷ đồng và ROE trên 6%.

Trao quyền cho “sếu đầu đàn” ảnh 1 Trụ sở của Tập đoàn Viettel ở Hà Nội, thương hiệu có giá trị 5,8 tỷ USD, đứng số 1 Đông Nam Á và thứ 9 châu Á

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, danh sách các DN được chọn là danh sách “mềm”, có thể mở rộng và thay đổi. Trước mắt, đề án lựa chọn những DN nêu trên và tùy từng thời kỳ tập trung cho nhóm ngành nào thì sẽ bổ sung, điều chỉnh. Khi đề án này được phê duyệt triển khai, các cơ quan chức năng sẽ thiết kế những chính sách với định hướng đột phá để áp dụng cho nhóm DN này.

Chẳng hạn, Nhà nước sẽ áp dụng cơ chế quản lý theo mục tiêu và chỉ định kỳ giám sát. Các “sếu đầu đàn” cũng được phép hình thành các quỹ đổi mới sáng tạo, quỹ đầu tư mạo hiểm, xây dựng chính sách tiền lương đặc thù để thu hút nhân lực chất lượng cao. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính cũng đang được sửa đổi bổ sung với những điều khoản “mở” hơn cho DN. Đổi lại, các DNNN này được kỳ vọng sẽ phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt khối DN trong việc hình thành và mở rộng chuỗi sản xuất, cung ứng, chuỗi giá trị trong nước cũng như quốc tế.

Có thể thấy, dù có được định danh là “sếu đầu đàn” hay không thì bản thân DN được chọn trên thực tế đã là những DN lớn, mạnh trong lĩnh vực mà họ hoạt động, mà trước hết xuất phát tự chính nội lực của DN. Điều mà DNNN cần nhất hiện nay không phải là “đặc quyền, đặc lợi” mà chính là được hoạt động thực sự như… một DN; không bị hành chính hóa, không bị can thiệp tùy tiện hoặc quá mức vào hoạt động quản trị kinh doanh. 

Thực trạng đáng buồn của một số tập đoàn một thời được coi là “quả đấm thép” của nền kinh tế có một nguyên nhân quan trọng là do bị điều hành bởi ý chí chủ quan và mệnh lệnh hành chính.
Chia sẻ quan điểm này, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cũng nhấn mạnh, phải đặt DNNN vào kinh tế thị trường, buộc DNNN phải cạnh tranh bình đẳng với các thành phần DN khác thì mới có thể phát triển. Ngược lại, lãnh đạo DNNN cũng cần được trao đầy đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, mạnh dạn đổi mới sáng tạo trong quá trình quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh. 
Qua quá trình cổ phần hóa, số lượng DNNN còn lại hiện nay không lớn, chỉ chiếm khoảng 0,07% số DN cả nước. Nhưng DNNN đóng góp tới 7% tài sản, 10% vốn trong tổng số các DN hiện nay và đóng góp 30% GDP. Đó là chưa kể, DNNN đóng góp về lao động, việc làm và vai trò điều tiết, ổn định thị trường khi có bất ổn…
Vì thế, việc xây dựng chính sách đối với DNNN nói chung và các “sếu đầu đàn” nói riêng cần được nghiên cứu, chuẩn bị hết sức kỹ càng, toàn diện, nhằm phát huy vai trò “mở đường”, “dẫn dắt” của khối này, đồng thời đảm bảo môi trường phát triển bình đẳng, hài hòa với các thành phần kinh tế.

Tin cùng chuyên mục