Tính tới chiều qua 17-1, đã có gần 10.000 con trâu, bò và ngựa bị chết rét ở miền Bắc. Bên cạnh đó, người trồng lúa và hoa màu cũng khốn khổ vì vừa gieo xuống là bị chết, không sinh trưởng được…
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Lào Cai Lưu Minh Hải cho biết, hôm qua 17-1, nhiệt độ ở khu vực Tây Bắc đã tụt xuống rất thấp, trời lạnh buốt như kim châm. Tại đỉnh đèo Ô Quý Hồ (Sa Pa) và xã Y Tý (Bát Xát, Lào Cai), nhiệt độ chỉ còn mức -0,5°C. Băng tuyết đã phủ một lớp dày khắp các mỏm núi, bản làng xã Y Tý. Ngoài ra, xã Bản Khoang (Sa Pa, Lào Cai) đã xuất hiện băng giá với cường độ nhẹ vào sáng 17-1.
Ở phía Đông Bắc, mưa phùn cùng với sương mù giăng kín và kéo dài suốt ngày đêm. Sáng 17-1, nhiệt độ ở các tỉnh như Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang giảm 1-2°C so với một ngày trước đó. Trong khi đó, ở đồng bằng châu thổ sông Hồng, nhiệt độ cũng tụt trở lại mức 10-13°C, trời rét đậm.
Nhiều học sinh vẫn phải nghỉ học. Nguyên nhân do miền Bắc đang nằm trong tâm điểm của một đợt không khí lạnh bổ sung vào ngày 16-1. Trong khi theo nguồn tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, vào ngày 20-1, lại có thêm một đợt không khí lạnh cực mạnh nữa tràn vào miền Bắc nước ta.
Đợt rét đậm kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất nông nghiệp và gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân. Chiều qua, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết tổng cộng đã có 9.906 con trâu, bò ở miền Bắc và miền Trung bị chết rét. Trong đó, các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Sơn La…, số trâu bò bị chết tăng vọt. Riêng Lạng Sơn đã lên 1.930 con, Lào Cai 1.430 con.
Đặc biệt, tại các tỉnh Hòa Bình, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Sơn La… do trời rét nặng, nhiệt độ liên tục ở ngưỡng 3-5°C, nên đã xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt trong ao đầm, dọc sông. Trong đó, riêng tỉnh Lạng Sơn, trong hai ngày 15 và 16-1, cá nuôi đã bị chết rét hàng loạt. Các loại cá chết chủ yếu là cá chim trắng, cá trắm, cá trê…
Ông Đinh Văn Hà, một chủ nuôi cá ở phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn, cho biết mặc dù đã chủ động phòng tránh rét cho cá bằng cách thả thêm bèo, dùng mảnh ni lông và lưới để quây xung quanh nhưng vẫn không cứu được cá. Trong 2 ngày qua, mỗi ngày ông vớt được trên 500kg cá chết rét, đành phải bán tháo với giá chỉ có 7.000 - 8.000 đồng/kg. Hiện tại, chưa thống kê được mức thiệt hại, song nhiều hộ dân đã có lượng cá chết lên tới 80-90%.
Bên cạnh làm hàng ngàn gia súc, gia cầm chết thì rét cũng đang tàn phá lúa và hoa màu của nông dân. Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết rét đang gây đình trệ cho lịch mùa vụ. Suốt một tuần qua, nhiều nơi nông dân không thể xuống đồng. Tại các vùng cao, người dân không dám ra khỏi nhà vì băng giá. Ở hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc, do thời tiết khắc nghiệt, chính quyền khuyến cáo nông dân tạm ngừng mùa vụ, không gieo cấy thêm lúa xuân.
Thiệt hại nặng nề là những vùng vừa gieo trồng cao su non ở Sơn La, Lai Châu, Điện Biên. Ông Võ Nhật Duy, Giám đốc Công ty CP Cao su Sơn La, cho biết, công ty đang có 5.400ha cao su, trong đó có hơn 1.400ha mới trồng đang bị rét buốt đe dọa. Suốt nửa tháng qua, hàng trăm công nhân ngày đêm lo chống rét cho cao su non.
Trước tình hình trên, Cục Trồng trọt đã có công điện gửi các địa phương yêu cầu điều chỉnh thời vụ, tạm thời không để nông dân ra đồng, vội vã gieo trồng vụ xuân. Ông Phan Huy Thông, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng, các địa phương đã gieo mạ xuân sớm cần đảm bảo 100% diện tích được che phủ ni lông, duy trì nước trong ruộng để cứu mạ. Nếu nhiệt độ dưới 10°C thì kiên quyết không cấy lúa. Các địa phương cũng cần chủ động nguồn giống lúa dự phòng, để gieo mạ bổ sung cho diện tích lúa bị chết rét.
VĂN PHÚC
Nhiều ca bỏng nặng do sưởi bếp than K.QUỐC Miền Trung: Trang phục ấm, than củi tăng giá V.THẮNG - L.NGỌC |
- Thông tin liên quan:
>> Miền Bắc lại rét đậm, hơn 9.000 trâu bò chết