Trẻ thiếu may mắn - Những điều ước đầu năm

Ngày đầu năm, đến “xông đất” một số cơ sở từ thiện xã hội tại TPHCM, nghe chuyện về cái tết vui, đầm ấm tình người có được từ sự chung tay của cộng đồng dành cho những mảnh đời bất hạnh, cùng những nguyện ước tốt đẹp trong năm mới, chúng tôi không khỏi xúc động...
Trẻ thiếu may mắn - Những điều ước đầu năm

Ngày đầu năm, đến “xông đất” một số cơ sở từ thiện xã hội tại TPHCM, nghe chuyện về cái tết vui, đầm ấm tình người có được từ sự chung tay của cộng đồng dành cho những mảnh đời bất hạnh, cùng những nguyện ước tốt đẹp trong năm mới, chúng tôi không khỏi xúc động...

  • Mong được về đi học

Dù rất mệt do đau đầu, nôn mửa sau đợt vô hóa chất nhưng cháu Phạm Thị Mỹ Quyên (7 tuổi quê ở Bến Tre, bệnh nhi đang điều trị tại khoa Nội 3, Bệnh viện Ung bướu TPHCM), vẫn hé môi gượng cười khi kể về niềm vui ngày tết ở bệnh viện của mình. Cô bạn nhỏ khoe rằng, đêm 29 Tết vừa rồi đã đóng góp vào chương trình văn nghệ “Xuân yêu thương” tổ chức tại bệnh viện một bài hát thiếu nhi Cả nhà thương nhau mà mình rất yêu thích.

Không chỉ vậy, bé còn được các anh chị hoạt náo viên hướng dẫn tham gia các trò chơi vận động và giành được phần thưởng là bánh kẹo. “Con chơi vui lắm chú!”, cô bé cất giọng nhè nhẹ. Rồi mắt em mở to và sáng hơn khi nói về ước mơ trong năm mới của mình: “Con ước sẽ hết bệnh để về nhà đi học và vui chơi với các bạn”.

Chị Nguyễn Thị Lệ, mẹ cháu Quyên, cho hay bé bị chứng bướu đa bào thần kinh giai đoạn 3. Sức khỏe bé Quyên đang vào giai đoạn cầm cự. Đỡ con nằm xuống manh chiếu phía dưới gầm giường, do phòng quá tải không còn chỗ, chị Lệ đỏ hoe mắt tâm sự: “Tết này xa quê không về nhà nhưng hai mẹ con được an ủi rất nhiều khi nhận được sự quan tâm chia sẻ của các y, bác sĩ và nhà hảo tâm. Cảm ơn tấm lòng của mọi người”.

Cùng hoàn cảnh phải ở lại điều trị những ngày tết như bé Quyên, cháu Phan Hữu Khang (5 tuổi, quê ở An Lão, Bình Định), cũng cùng chung mong ước ngày đầu năm mới là sẽ khỏi bệnh để được về nhà, được đi học.

Trẻ khuyết tật ở Trung tâm Nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ mồ côi - tàn tật Gò Vấp được tham quan đường hoa Nguyễn Huệ.

Trẻ khuyết tật ở Trung tâm Nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ mồ côi - tàn tật Gò Vấp được tham quan đường hoa Nguyễn Huệ.

Bác sĩ Ngô Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Nội 3, cho biết trong đợt Tết Quý Tỵ có 45 trường hợp bệnh nhi nặng phải ở lại điều trị. Để động viên tinh thần, giúp các cháu vơi đi nỗi đau thể xác, nhiều hoạt động vui chơi, sinh hoạt cộng đồng ý nghĩa đã được bệnh viện phối hợp cùng các đoàn thể, đơn vị và các mạnh thường quân tổ chức như: đêm văn nghệ “Xuân yêu thương” kết hợp cùng hoạt động múa lân vào các ngày 25 và 26 Tết; Công đoàn bệnh viện cũng trích quỹ trao tặng quà tết bệnh nhi và thân nhân tận giường bệnh; vận động các nhà hảo tâm tổ chức 10 chuyến xe từ thiện đưa các bệnh nhi và người nhà về quê ăn tết; tổ chức nấu và phục vụ miễn phí các món ăn ngày tết cho bệnh nhi và phụ huynh vào mùng 2 Tết...

Bác sĩ Thủy tâm sự: “Các cháu bệnh nặng phải ở lại vô hóa chất, không thể về nhà vui tết, đó là một thiệt thòi rất lớn. Vì vậy làm được điều gì mang đến nụ cười, niềm hạnh phúc cho các em là chúng tôi cố gắng làm bằng tất cả tấm lòng của mình”.

  • Mang niềm vui đến các cháu

Ngồi bên ly trà nóng, ngào ngạt hương lài trong ngày làm việc đầu năm, nghe bà Hồ Thanh Loan, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em mồ côi - tàn tật Gò Vấp, chân tình chia sẻ câu chuyện mang niềm vui xuân cho trẻ khuyết tật mà thêm cảm phục cái tâm của những người xem hạnh phúc của người khác như hạnh phúc của mình.

Mùa xuân nơi đây dù lặng lẽ, im lìm nhưng đầy ắp tình yêu thương của các ân nhân, các ban ngành đoàn thể, bên cạnh vòng tay yêu thương của các thầy cô giáo luôn túc trực chăm sóc, điều trị các cháu ngày đêm. Nơi đây vẫn có bánh chưng, bánh tét vẫn có được những bữa ăn tươm tất trong những ngày tết; các bệnh nhi vẫn có được những dòng sữa ngọt ngào, mặc dù nỗi đau thân xác do bệnh tật hiểm nghèo vẫn ngày đêm giày vò ray rứt.

Hơn thế nữa, các bé khuyết tật thiểu năng tâm thần còn được tổ chức đi chơi chợ hoa xuân và Thảo cầm viên vào ngày mùng 1 Tết. Bà Loan nói trong niềm vui in trên ánh mắt: “Hạnh phúc thật giản đơn và bình dị nhưng thật đáng quý biết bao khi những đứa trẻ bất hạnh tại nơi đây vẫn khao khát mong chờ”.

Đến Làng SOS TPHCM, nghe các cháu nhỏ mồ côi, cơ nhỡ bày tỏ ước mơ của mình mà ngậm ngùi. Cô bé Phạm Thị Thùy Trang (11 tuổi) ao ước có một phép màu nào đó giúp mẹ ruột của mình được sống lại để em ngày ngày được truyền hơi ấm từ đôi bàn tay chăm sóc ẵm bồng như ngày nào. Mẹ em bị chứng suy thận và qua đời gần 2 năm trước. Gia cảnh quá khó khăn nên người cha đành dằn lòng gửi con gái nương nhờ vào sự chăm lo của Làng SOS để bươn chải mưu sinh.

 “Con nhớ mẹ vô cùng và chỉ có mong ước đó, mặc dù con hiểu là không thể”, em Trang trĩu giọng. Còn cô gái nhỏ Nguyễn Thị Hồng Thắm, bạn cùng tuổi với Thùy Trang thì không hề biết mặt cha mẹ mình từ lúc lọt lòng. Mơ ước của em nghe cũng mủi lòng: “Con mồ côi cha mẹ nên chỉ ước cho các mẹ và thầy cô nuôi dưỡng, dạy dỗ con suốt từ nhỏ đến giờ luôn mạnh khỏe vì con xem họ như cha mẹ ruột của mình. Con hứa năm mới sẽ cố gắng học giỏi hơn nữa để không phụ lòng các mẹ tại đây đã yêu thương, chăm lo cho con”.

Chuyện buồn tạm lắng xuống khi các em hào hứng kể về hoạt động vui chơi tết mà mình được tham gia. Đó là các chương trình hội chợ xuân, trò chơi dân gian; chương trình “Mái ấm gia đình Việt”, chương trình thiếu nhi Làng SOS tiêu biểu tham dự cuộc gặp gỡ đầu xuân với lãnh đạo thành phố... 

MAI NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục