Các doanh nghiệp thường chọn đầu tư bổ sung một số thiết bị cho các khâu quyết định chất lượng sản phẩm hoặc trùng tu, cải tiến máy móc cũ để tiếp tục sử dụng. Nhìn chung ngành cơ khí trong nước vẫn chưa có cơ sở vật chất kỹ thuật để có thể chế tạo máy móc, thiết bị đạt tiêu chuẩn, hàm lượng công nghệ cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Đơn cử, ngành đúc chiếm từ 40% - 70% giá trị trong chuỗi công nghệ chế tạo các sản phẩm cơ khí. Tuy nhiên, hiện nay những doanh nghiệp có khả năng đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại trong ngành rất ít. Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 500 doanh nghiệp, cơ sở làm đúc; trong đó, chỉ khoảng 10 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có công nghệ tiên tiến.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nêu trên là do việc đầu tư công nghệ, thiết bị cần nguồn vốn đầu tư lớn nên không thể tiếp cận công nghệ mới, đầu tư một cách đồng bộ các thiết bị hiện đại đáp ứng quy hoạch phát triển.
Để thúc đẩy phát triển ngành cơ khí chế tạo trong nước trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các hiệp hội ngành hàng kiến nghị nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ vay vốn để doanh nghiệp đầu tư thiết bị máy móc, nhà xưởng sản xuất; xây dựng các chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ; quy hoạch, tạo điều kiện và có chế độ ưu đãi cho doanh nghiệp được vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với chi phí hợp lý. Đồng thời, nhà nước cần tạo điều kiện và hỗ trợ kinh phí đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật kỹ sư, kỹ thuật viên các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; xây dựng cơ chế để thúc đẩy chuyển giao công nghệ và kỹ thuật từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp Việt Nam.