“Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/Hoàng Sa mây nước bốn bề/Tháng 3 khao lề thế lính Hoàng Sa”...
Đã thành thông lệ, cứ đến ngày 16- 3 (âm lịch) tức ngày 4-5, 13 tộc hộ tiền hiền, hậu hiền trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) lại sắm lễ vật, dựng lại thuyền câu, tiếng ốc u trầm hùng làm hiệu lệnh để thúc giục, mời gọi du khách gần xa, cư dân trên đảo cùng về đình làng An Hải để tri ân công đức của đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải hơn 300 năm trước đã dong thuyền ra khơi đo đạc hải trình và cắm mốc, xác lập chủ quyền Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa.
Tiếng ốc u trầm hùng
Cứ mỗi dịp ra Lý Sơn dự lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, chúng tôi lại bị ám ảnh bởi âm thanh được phát ra từ con ốc biển mà cụ ông Đặng Lại, Nguyễn Chú (đều 87 tuổi) như dồn hết tâm sức của mình để thổi. Tiếng ốc u mỗi khi ngân lên, theo gió vọng về phương trời xa tít tắp-nơi được gọi bằng hai từ rất đỗi thiêng liêng - Hoàng Sa. Theo lời kể của các bậc cao niên, cách đây hơn 300 năm, khi những hùng binh Hoàng Sa đầu tiên trên đất đảo Lý Sơn vâng lệnh vua ban, dong thuyền cưỡi sóng, vượt biển ra khơi để đo đạc hải trình, cắm mốc chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì tiếng ốc u luôn gắn với những câu chuyện bi ai, can trường của họ. Cụ ông Đặng Lại bồi hồi nhớ lại, khi lớn lên, ông đã được các bậc tiền nhân trong làng cho biết trong vật dụng hành trình vượt biển vươn khơi của những hùng binh Hoàng Sa năm xưa, ngoài lương thực, thực phẩm và các vật dụng sinh hoạt hàng ngày thì không thể thiếu con ốc u.
Mô hình thuyền tượng trưng cùng với các lễ vật, lương thực, thực phẩm mà đội hùng binh năm xưa mang theo khi ra Hoàng Sa được thả xuống biển.
Tiếng ốc u là hiệu lệnh quyền uy của người chỉ huy các chiến thuyền trên biển, đồng thời là hiệu lệnh tiễn đưa người binh phu xuống thuyền đi giữ Hoàng Sa. Bởi vậy, trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa không thể thiếu tiếng ốc u trầm hùng, vang vọng. “Tiếng ốc u vang át được tiếng sóng gào, gió thét, giữa biển khơi mênh mông, không âm thanh nào có thể át được, âm của nó vừa trầm hùng vừa bi ai như tiếng lòng người dân binh. Do đó, con ốc u còn được xem như một biểu tượng của cư dân trên đảo Lý Sơn” - ông Đặng Lại cho biết.
“Ngày xưa các cụ mình sử dụng âm thanh của con ốc u để chuyển lệnh giữa các chiến thuyền trên biển, ba hồi réo rắt bi ai báo hiệu có người tử nạn, sáu hồi sáu tiếng trầm hùng vang lên là lệnh thu quân. Sau hồi ba tiếng là lệnh xuất quân, liên tục dồn dập là có giặc. Ngoài ra, lúc thực thi nhiệm vụ trên biển cả mênh mông, tiếng ốc u còn được sử dụng để giữ liên lạc với nhau”, cụ Võ Chú ở thôn Đông xã An Vĩnh có thâm niên 60 năm gắn với con ốc trong các lễ khao lề của cư dân trên đảo cho biết thêm. Thổi ốc u không khó nhưng để thổi có âm điệu thì phải là người có “biệt tài” và có “cơ duyên”, bởi khi tiếng ốc u thổi lên âm thanh phải như thúc giục, trầm hùng và bi ai...!
Những khinh thuyền vượt sóng
Ngồi quan sát cụ ông Võ Hiển Đạt (89 tuổi) tỉ mẩn với từng động tác để làm nên mô hình thuyền câu (khinh thuyền) mà đội hùng binh Hoàng Sa sử dụng từ xa xưa mới thấy hết được tấm lòng tri ân của ông đối với lớp cha ông đã xả thân vì chủ quyền đất nước. Cụ ông Võ Hiển Đạt nói: “Tổ tiên đã truyền đời kể cho chúng tôi nghe về những con thuyền từng vượt biển Đông ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Thời thơ ấu của tôi ở Lý Sơn, loại thuyền ngược xuôi trên biển cũng không khác xưa. Chúng nhỏ gọn nhưng chắc chắn và rất tiện dụng trên vùng biển có nhiều bãi cát, rạn san hô như Hoàng Sa, Trường Sa...”. Ông Võ Hiển Đạt là trưởng nhóm nghiên cứu, đóng lại chiếc thuyền của những đội hùng binh nước Việt năm xưa sử dụng để chinh phục đại dương. Là bậc cao niên hiếm hoi còn thông thạo chữ Nho ở Lý Sơn, ông Đạt cũng từng tiếp cận nhiều tài liệu, thư tịch, sắc phong cổ ở Lý Sơn để hiểu rõ về những con thuyền của cha ông mình. “Nửa đầu thế kỷ 20 dân đảo Lý Sơn còn nghèo lắm. Người đi biển đều sử dụng những chiếc thuyền buồm. Người đi buôn dùng ghe bầu. Ngư dân có ghe câu. Hai loại thuyền đôi nét khác nhau về kích cỡ, nhưng đều giống nhau ở chỗ di chuyển nhờ sức gió thổi buồm và khả năng xoay xở rất tốt ở những vùng biển nông dễ mắc cạn nên ngư dân hay gọi là khinh thuyền (lướt trên sóng nhẹ tênh)” - ông Đạt giải thích cặn kẽ và dẫn chứng: “Trong một chỉ thị cho đội Hoàng Sa tiếp tục hoạt động, triều đình Tây Sơn năm 1786 ghi rõ: Sai Hội Đức Hầu, cai đội Hoàng Sa luôn xem xét, đốc suất trong đội cắm biển hiệu thủy quân, cưỡi bốn thuyền câu vượt biển, thẳng đến Hoàng Sa...”.
Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn cũng ghi chép về loại thuyền này khi nhắc đến đội Hoàng Sa: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương thực đủ ăn sáu tháng, đi bằng năm chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển ba ngày ba đêm thì đến đảo ấy... “. Loại thuyền câu đó chính là thuyền mà ngư dân Lý Sơn đã truyền đời cưỡi trên đầu sóng ngọn gió.
Để tưởng nhớ những người đã bỏ mình trên biển, các tộc họ ở Lý Sơn đều đặn tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Khao lề là lễ tế sống các hùng binh, là sự tôn vinh và tri ân những người đã hy sinh vì nước. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa nay đã trở thành di sản văn hóa quốc gia.
HÀ MINH