Triển khai nhanh các biện pháp khoanh vùng, dập dịch bạch hầu tại Quảng Nam

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch bạch hầu tại Trường Tiểu học Trà Vân (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) làm 7 em học sinh mắc bệnh, trong đó có 1 em tử vong, PV SGGP Online đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Văn, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam về công tác phòng và dập dịch. 
Ông Nguyễn Văn Văn, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam trả lời phỏng vấn báo chí về công tác khoanh vùng, dập dịch bạch hầu tại Nam Trà My
Ông Nguyễn Văn Văn, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam trả lời phỏng vấn báo chí về công tác khoanh vùng, dập dịch bạch hầu tại Nam Trà My

* PV: Sau khi Viện Pasteur Nha Trang có kết luận 7 trường hợp ở Nam Trà My dương tính với bệnh bạch hầu, Sở Y tế Quảng Nam triển khai các biện pháp gì để phòng và dập dịch, thưa ông?

- ÔNG NGUYỄN VĂN VĂN: Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh bạch hầu đối với các học sinh trường Tiểu học Trà Vân (huyện Nam Trà My), ngày 9-10, đoàn công tác đến hiện trường để kiểm tra tổ y tế cơ sở mà Sở Y tế bố trí tại hiện trường có thực hiện đúng các chỉ đạo của Sở Y tế về triển khai các biện pháp phòng và dập dịch hay không. Đồng thời, thông báo tình hình cho các giáo viên trong trường biết các biện pháp phòng ngừa về dịch bệnh, biện pháp phòng bệnh.

Sau đó, đoàn đã trực tiếp đi thăm xã Trà Vinh để chỉ đạo y tế cơ sở phối hợp với nhà trường để phát hiện sớm và điều trị các ca bệnh.

Ngay trong ngày 9-10, y tế cơ sở xã Trà Vinh phát hiện thêm 1 trường hợp nghi ngờ bị bệnh bạch hầu.

* Tất cả 7 ca nhiễm bạch hầu tại Nam Trà My đều là các học sinh ở nội trú, vậy cơ chế lây bệnh như thế nào và ông có khuyến cáo gì cho người dân về phòng chống bệnh nơi đây?

- Vi khuẩn bạch hầu luôn luôn tồn tại trong môi trường sống. Sở dĩ chúng ta, những người không bị mắc bệnh là nhờ được tiêm chủng đầy đủ.

Tại đồng bằng, việc tiêm chủng bạch hầu rất tốt, trong khi đó tại miền núi, môi trường ẩm, lạnh khiến vi khuẩn tồn tại, cộng với tiêm chủng không đầy đủ nên vi khuẩn có điều kiện xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.

Trong những năm trước đây, việc tiêm chủng bạch hầu cho trẻ tại các huyện miền núi Quảng Nam gặp khó, và ngay cả những trẻ ở đây được tiêm chủng đầy đủ nhưng khả năng nhiễm bệnh vẫn cao do chất lượng các mũi tiêm không được đảm bảo vì đoạn đường di chuyển vắc-xin xa nên việc bảo quản vắc-xin không đảm bảo. Do bệnh lây truyền qua bệnh hô hấp và lây truyền qua da.

* Tỉ lệ tiêm vắc-xin tại Quảng Nam ngành y tế báo cáo lúc nào cũng cao, trong khi bệnh bạch hầu liên tục xảy ra tại Quảng Nam. Vậy nguyên nhân vì sao?

- Bệnh bạch hầu xảy ra tại Nam Trà My ở lứa tuổi từ 8 đến 12, trong khi ở huyện Tây Giang số bệnh nhân mắc bệnh hôm tháng 5-2017 ở độ tuổi từ 15 đến 20 tuổi.

Theo y văn thế giới ghi nhận, miễn dịch bạch hầu sau khi tiêm vắc-xin là miễn dịch không bền vững, nó giảm theo thời gian. Cứ khoảng 10 năm sau khi tiêm vắc-xin, hiệu giá kháng thể sẽ giảm đi 40%. Ở các nước tiên tiến, cứ sau 10 năm người ta tiêm nhắc lại vắc-xin.

Trong chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam có chỉ định, trẻ em từ 2 tháng tuổi đến dưới 4 tuổi phải tiêm nhắc lại mũi thứ 4 vắc-xin bạch hầu mới đảm bảo phòng bệnh.

Thứ nữa, nhà sản xuất cũng khuyến cáo tỉ lệ trẻ mắc bệnh sau tiêm cũng xảy ra. 100 em được tiêm chủng không có nghĩa là 100 em đều được miễn dịch. Các vắc-xin chúng ta đang dùng, hiệu lực bảo vệ là 95%.

*Trong những đợt dịch trước, các điạ phương có dấu hiệu giấu dịch. Vậy đợt dịch lần này do đâu? 

- Quan điểm của ngành y tế là không giấu dịch nhưng phải thận trọng trong xử lý thông tin. Vì tại Quảng Nam không có công cụ xét nghiệm để khẳng định ngay bệnh bạch hầu. Nhưng khi phát hiện những ca nghi ngờ, ngành xử lý ngay như phát hiện ổ dịch. Còn chuyện công bố dịch phải chờ kết quả xét nghiệm.

Ngày hôm nay 11-10, Viện Pasteur Nha Trang cử cán bộ và 1 chuyên gia tổ chức y tế thế giới đến hiện trường để kiểm tra và sẽ có kết quả chính thức.

* Hiện nay, Nam Trà My đang vào mùa mưa. Vậy việc khoanh vùng dập dịch được triển khai như thế nào và gặp khó khăn gì không?

- Hiện nay ngành y tế tỉnh Quảng Nam xác định, không chỉ riêng Nam Trà My mà địa phương lân cận là Bắc Trà My việc tiêm phòng vắc- xin bạch hầu còn thấp. Các địa phương còn lại tỉ lệ tiêm vắc-xin bạch hầu đã đạt 90%, riêng Nam Trà My và Bắc Trà My chưa được tiêm cao. Vì vậy, thời gian đến, ngành y tế Quảng Nam sẽ triển khai tiêm chủng và kiểm tra chặt chẽ đối với y tế cơ sở để phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Đặc biệt, đối với các nơi tập trung đông người như trường học thì phải khoanh vùng giám sát để sớm phát hiện và điều trị kịp thời.

* Hiện nay, lượng vắc-xin dự trữ tại Quảng Nam có đủ để tiêm phòng cho Nam Trà My và Bắc Trà My không, thưa ông?

- Vắc-xin phòng ngừa bệnh bạch hầu tại Quảng Nam chỉ dự trữ đủ để tiêm cho các cháu trong diện tiêm chủng mở rộng. Còn khi xảy ra ổ dịch như thế này thì ngành y tế tỉnh liên hệ với Viện Pasteur Nha Trang điều tiết vắc-xin từ các tỉnh thành khác về chủng ngừa.

* Vậy dự kiến khi nào thì ngành y tế tỉnh Quảng Nam triển khai tiêm chủng ngừa bệnh bạch hầu tại Nam Trà My và Bắc Trà My?

- Rút kinh nghiệm xử lý các ổ dịch ở Tây Giang và Phước Sơn trước đây, ngay khi xảy ra ổ dịch, ngành y tế triển khai các biện pháp phòng và dập dịch. Dự kiến từ nay đến giữa tháng 11-2017 sẽ hoàn thành tiêm chủng ngừa bệnh bạch hầu tại hai địa phương nói trên.

- Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục