Theo bà Dorsati Madani, mặc dù gặp nhiều rủi ro do tác động của đại dịch Covid-19, tuy nhiên cuối quý 3-2021 trở đi, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhờ sự năng động và bền bỉ, hơn nữa đã có tăng trưởng vững chắc vào đầu năm nay. Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020, trong khi các nước khác trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc, đều tăng trưởng kinh tế âm. Bà Dorsati Madani cũng bày tỏ hy vọng nền kinh tế Việt Nam có thể phục hồi trong tương lai một phần nhờ vào các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU)... đều đang trên đà phục hồi.
Trước đó, WB cho rằng nền kinh tế Việt Nam có phục hồi vào nửa sau năm 2021 hay không còn tùy thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch Covid-19 bùng phát hiện nay. Theo WB, dù những rủi ro theo hướng suy giảm đã gia tăng, nhưng nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức 6,5%-7% từ năm 2022 trở đi. Ước tính GDP của Việt Nam trong năm nay đạt khoảng 4,8%.
Còn theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam ở mức 5,8%, cao thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, sau mức 6,3% của Singapore. Tuy nhiên, khả năng kiểm soát dịch Covid-19 sẽ đóng vai trò quan trọng đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn.
Cùng chung nhận định về kinh tế Việt Nam, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội (AmCham) Adam Sitkoff cho rằng, ngay cả khi chuỗi cung ứng gặp khó khăn, nền kinh tế phải đóng cửa vì dịch Covid-19, Việt Nam vẫn đang là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặc dù thừa nhận dịch Covid-19 đang cản trở Việt Nam gia tăng vai trò trong chuỗi cung ứng, ông Sitkoff vẫn nhận thấy Việt Nam đang thu hút đầu tư.
Tương tự, các nhà phân tích tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd. cũng nêu bật triển vọng dài hạn của Việt Nam dù nhu cầu trong nước đang giảm sâu. Theo nhà phân tích Dhiraj Nim, ngoài những thách thức ngắn hạn, triển vọng kinh tế trung hạn của Việt Nam vẫn thuận lợi. Đại dịch đã không làm thay đổi sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là một trung tâm sản xuất. Ngoài ra, còn có nhiều dư địa để hỗ trợ chính sách nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế hơn nữa.