Triển vọng thị trường bán lẻ trong nước

Sau một năm mở cửa và trước tác động khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đạt được những kết quả ấn tượng. Theo Bộ Công Thương, doanh số bán lẻ hàng hóa, dịch vụ năm 2009 đạt gần 1.200 nghìn tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2008. Nếu loại trừ yếu tố giá, mức tăng trưởng đạt gần 12%.

(SGGP-ĐTTC).- Sau một năm mở cửa và trước tác động khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đạt được những kết quả ấn tượng. Theo Bộ Công Thương, doanh số bán lẻ hàng hóa, dịch vụ năm 2009 đạt gần 1.200 nghìn tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2008. Nếu loại trừ yếu tố giá, mức tăng trưởng đạt gần 12%.

Trên đà khởi sắc của thị trường tiêu dùng nội địa, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ được nhận định sẽ còn tiếp tục tăng trên 20% trong năm nay, ước đạt 1.440 nghìn tỷ đồng. Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho biết, hơn 70% nhà sản xuất khi được hỏi đã cho rằng thị trường bán lẻ sẽ tăng trưởng 20-25% trong năm 2010.

Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang đối mặt nhiều thách thức, triển vọng từ thị trường bán lẻ trong nước là cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc giải quyết đầu ra sản phẩm. Tuy nhiên, để khai thác tốt các lợi thế tiềm năng, phát triển thị trường bán lẻ nước ta một cách căn cơ vẫn đang là một thách đố đối với các nhà bán lẻ nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.

Để phát triển thị trường bán lẻ, việc nhà phân phối thực hiện tốt chức năng cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội và khoảng trống để các nhà đầu tư trong và ngoài nước khai thác. Do đó, cộng đồng bán lẻ nước ta cần tăng cường hợp tác, mở rộng hội nhập và cạnh tranh bình đẳng trong môi trường bán lẻ đa dạng, nâng tầm thị trường bán lẻ Việt Nam trên bản đồ thế giới về dịch vụ này.

Hiện nay, kênh bán lẻ hiện đại và truyền thống vẫn còn đan xen. Tuy nhiên người tiêu dùng đã quan tâm hơn đến hệ thống siêu thị và các cửa hàng tiện ích. Điều đó là xu thế hiển nhiên khi thu nhập và mặt bằng dân trí ngày càng được nâng cao. Cuộc cạnh tranh liên tục giữa các kênh bán lẻ hiện đại - truyền thống, nhất là sự tham gia của các nhà bán lẻ nước ngoài đã mang lại luồng gió mới, làm thay đổi về chất và cả diện mạo của ngành bán lẻ nước ta.

Với nhiều kênh bán lẻ mới, người tiêu dùng có thêm các lựa chọn khi mua sắm, đã tạo áp lực buộc các kênh bán lẻ truyền thống thay đổi về chất lượng phục vụ. Bên cạnh xu hướng  chuyển sang dùng hàng chế biến sạch, làm sẵn, người tiêu dùng ngày càng chú trọng mua sắm trong các đợt khuyến mại. Do đó, các doanh nghiệp cần triển khai các hình thức khuyến mại, giảm giá vào thời điểm thích hợp. Để nhanh chóng nắm giữ thị trường bán lẻ, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường quảng bá sản phẩm trên internet, truyền hình, báo chí... bởi nhu cầu mua sắm qua các kênh thông tin này của nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi đang tăng nhanh.

Để cạnh tranh với các tên tuổi lớn, lâu năm trong thị trường bán lẻ thế giới, ngành bán lẻ Việt Nam còn nhiều điểm cần khắc phục như: nâng cao tính chuyên nghiệp, vì chỉ có khoảng 4-5% nhân lực được đào tạo chuyên ngành; 60-70% các đơn vị kinh doanh chưa sử dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý; 20% đơn vị mới xây dựng trang web nhưng nội dung đơn giản, nghèo nàn. Ngoài ra, hậu cần cho hệ thống phân phối như kho bảo quản, các kho lạnh, xe tải chuyên dùng cũng thiếu đồng bộ, chưa đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Việc tổ chức cung ứng hàng hóa chủ yếu có gì bán nấy, chưa xây dựng được vùng cung cấp nguồn hàng ổn định để tiêu thụ. Tính chủ động trong hợp tác liên kết, liên doanh thu mua, tiêu thụ hàng hóa còn rời rạc.

Từ những bất cập trên cho thấy đã đến lúc cần mạnh dạn cách tân, đầu tư đúng mức xây dựng hệ thống thương mại bán lẻ nước ta. Chuỗi phân phối hàng hóa tiêu dùng ở nước ta  có nhiều, hiện diện sâu rộng tại các tỉnh - thành, các khu vực dân cư nhưng rất lẻ mẻ, nặng tính đại lý, đạt lợi nhuận thấp. Chính vì thế, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã tìm mọi cách vào Việt Nam khai thác cơ hội từ thị trường sơ khai, thiếu chuyên nghiệp và rất đông dân này. Những kết quả thực tế rất ấn tượng từ doanh thu, tốc độ tăng trưởng đạt trên 40%/năm mà Metro, Big C, Parkson... đạt được khi mạnh dạn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam cho thấy họ đã sáng suốt và chọn hướng đi đúng.

ĐTTC

Tin cùng chuyên mục