Triết lý giáo dục Việt Nam?

Dự thảo Luật Giáo dục đại học lại vừa tạo “cảm hứng” cho hàng loạt tranh luận. Một số chuyên gia giáo dục gọi việc trưng cầu ý kiến cho dự thảo luật là cuộc đẻ non. Đọc dự thảo luật ở lần thứ tư này, có thể thấy nó vẫn là luật khung, chung chung và thiếu cụ thể. Thêm nữa, theo các thông tin được đăng tải, các nhà chuyên môn cũng chỉ ra rằng dự thảo luật mới chỉ đề cập đến việc đào tạo ở bậc đại học. Trong khi đó, các nội dung về nghiên cứu sáng tạo tri thức, phản biện xã hội... không được định hình.

Điều đáng nói, các ý kiến dù khác biệt nhưng đều đi đến đánh giá rằng nội dung dự luật là một bước lùi. Cũng không khó hiểu với quy kết ấy. Bởi lẽ, khi chưa có đề án tổng thể về giáo dục, cũng chưa có chiến lược giáo dục, dự luật sẽ thể hiện đầy đủ những mâu thuẫn rối rắm của thực tế.

Chỉ riêng nhiều trường đại học, những ngày qua đã quá vất vả với căn bệnh bộc phát mang tên “nguyện vọng 2”. Khó có thể tưởng tượng, ngay trước năm học mới, hàng loạt chiêu thức để lôi kéo sinh viên đã được các trường tung ra. Học bổng, tặng quà, giảm học phí, đào tạo theo địa chỉ sử dụng, hoặc tự biến mình thành “trường vùng sâu vùng xa” khiến khung cảnh hậu tuyển sinh trở nên rối như canh hẹ. Nhưng đấy không phải là một cái rối đơn lẻ.

Chắc không cần nói thêm về những mệt mỏi trước thực trạng nền giáo dục nước nhà. Từ bậc học mầm non đến đại học đều gây nhiều thất vọng. Đã có nhiều lần cải cách giáo dục, nhưng sau mỗi lần, sự hụt hẫng lại dày lên. Hàng chục triệu người đi học cứ bị đặt trong quá trình thể nghiệm, còn bộ máy làm giáo dục thì quay vòng với những mục tiêu không giống nhau. Kết quả của giáo dục ở mọi cấp học đều có chất lượng thấp so với yêu cầu. Và cũng bởi thế, cho nên hầu như vấn đề nào mang tính cốt lõi của giáo dục cũng tạo nên tranh cãi triền miên.

Căn bệnh nặng của nền giáo dục chúng ta đang phải gánh, cũng là từ căn nguyên đưa ra quá nhiều cái đích không định hình cụ thể. Rốt cuộc, những cái đích ấy không thể bỏ, cũng không biết làm thế nào để đạt được. Thiết nghĩ, nên dẫn lại báo cáo của Ủy ban quốc tế về giáo dục thế kỷ 21 của UNESCO. Trong đó, ủy ban này đưa ra khái niệm học suốt đời, với 4 trụ cột là: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình. Ngôn từ vắn tắt ẩn chứa những kỳ vọng lớn lao. Nhưng dẫu sao, những mục tiêu trụ cột ấy cũng gần gũi, dễ hiểu cho việc học hỏi và vận dụng ở từng điều kiện thực tế riêng.

Phải chăng với giáo dục, chúng ta đang muốn quá nhiều thứ to tát hơn nữa? Cách đây chưa lâu, chuyện đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam được đặt lên bàn của một hội thảo lớn. Đã có những phân tích có giá trị được đưa ra, và cũng có những ý kiến chỉ mang ý nghĩa của ngôn từ khẩu hiệu. Nhưng cũng bởi khoảng cách của những khác biệt là quá lớn, nên triết lý ấy là gì, cho đến nay vẫn chưa thể được định danh. Thiếu yếu tố cốt lõi làm nền tảng, nên việc đề xuất các ý niệm giáo dục khó tránh khỏi loay hoay. Khi chưa biết rõ “mình muốn gì”, sẽ dễ lạc lối khi đặt câu hỏi “mình đi đâu, bằng đường nào”. Điều đó cũng có nghĩa rằng, người đi học sẽ tiếp tục chịu đựng những thể nghiệm “cải cách” mò mẫm.

Vũ Thượng

Tin cùng chuyên mục