Đảng và Nhà nước đang quyết tâm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn nhằm tạo thuận lợi cho người kinh doanh đảm bảo quyền thực thi trên thực tế. Tuy nhiên, với việc ban hành văn bản pháp luật còn chồng chéo, bất cập và đặc biệt là công tác thực thi pháp luật còn thiếu nghiêm minh đang tạo ra rào cản đối với quyền tự do kinh doanh, xâm phạm lợi ích hợp pháp của người dân.
Việc hạn chế số lượng thành lập doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, công chứng… đã hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân. Ảnh: PHẠM CAO MINH
Vi phạm quyền tự do kinh doanh
Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư năm 2005 đang được tích cực triển khai theo hướng quy định doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cũng như người đứng đầu Chính phủ đang quyết tâm giảm tối đa ngành nghề cấm kinh doanh cũng như hàng loạt những điều kiện đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện quyền kinh doanh của mình.
Tuy nhiên, hạn chế của vấn đề trên có thể nhắc đến do sự chồng chéo của hệ thống các văn bản dưới luật hiện nay đã và đang thu hẹp sự tự do này. Các văn bản pháp luật chuyên ngành đã đặt ra hàng loạt những điều kiện gây khó khăn cho người kinh doanh. Không ít trường hợp, khi đưa ra thi hành, điều luật đã trở nên lỗi thời, không còn phù hợp, buộc phải chỉnh sửa hoặc hủy bỏ. Không những vậy, khi ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, cơ quan chức năng để xảy ra một số sai sót đáng tiếc. Có văn bản ban hành không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nhầm lẫn, đưa ra cách lý giải khác nhau về nội dung điều luật, gây lúng túng cho người thi hành văn bản. Chưa kể, trong việc hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp đó là việc quy hoạch ngành nghề kinh doanh và thực thi pháp luật của các địa phương. Nhiều địa phương tự đặt ra quy hoạch, số lượng doanh nghiệp kinh doanh một số ngành nghề ở địa phương. Đơn cử, mới đây Sở Tư pháp tỉnh An Giang đã không cho phép thành lập thêm các văn phòng luật sư và các công ty luật tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang khi luật sư có nhu cầu thành lập văn phòng luật sư mới. Thực chất, đây là một hình thức bảo hộ cho các văn phòng luật sư, các công ty luật được thành lập. Việc hạn chế số lượng thành lập doanh nghiệp để kinh doanh một số ngành nghề khác như karaoke, khách sạn, nhà hàng, công chứng… thực chất đã vi phạm quyền tự do kinh doanh của người dân. Bởi người dân được quyền thành lập doanh nghiệp để kinh doanh những ngành nghề này, còn nếu nhiều quá dẫn đến doanh nghiệp của họ kinh doanh không hiệu quả thì doanh nghiệp có thể bị thua lỗ hay giải thể phá sản là quy luật bình thường trong kinh doanh. Từ thực trạng này, thường tạo ra cơ chế xin - cho và hàng loạt các tiêu cực khi muốn thành lập kinh doanh những ngành nghề này ở địa phương.
Đảm bảo lợi ích kinh doanh hợp pháp
Với những hạn chế nêu trên, cần có những biện pháp mang tính định hướng toàn diện và có thể thực thi trên thực tế. Thứ nhất, các văn bản pháp luật cần được ban hành tuân theo Hiến pháp và Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi sắp tới. UBTVQH, Chính phủ cần bãi bỏ theo thẩm quyền của mình hoặc trình Quốc hội bãi bỏ những văn bản pháp luật từ trung ương xuống địa phương trái với tinh thần của Luật Doanh nghiệp hạn chế quyền tự do kinh doanh. Ngoài ra, để đảm bảo tính hiệu lực của Hiến pháp, các quy định về quyền tự do kinh doanh như danh mục lĩnh vực cấm kinh doanh, giấy phép, điều kiện kinh doanh chỉ được quy định tại luật, Pháp lệnh do Quốc hội hoặc UBTVQH ban hành, không nên giao cho Chính phủ quy định trong nghị định. Bởi lẽ, quy định các điều kiện kinh doanh thực chất là hạn chế quyền kinh doanh của công dân nên phải do Quốc hội, UBTVQH quy định. Nếu giao cho Chính phủ - cơ quan hành pháp quá nhiều quyền có thể sẽ dẫn đến sự ra đời của hàng loạt “giấy phép con” gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nảy sinh tình trạng lạm dụng và trục lợi, tham nhũng, thậm chí thủ tục hành chính lĩnh vực ấy bị bóp méo.
Thứ hai, các địa phương không nên tự mình quy hoạch mà nên tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho doanh nghiệp được mở rộng môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp. Việc quy hoạch cần có sự nghiên cứu và tham mưu của các cấp quản lý vì tùy mỗi hoàn cảnh địa phương mà có những cách xây dựng phù hợp. Đồng thời, các địa phương phải niêm yết công khai các lĩnh vực và ngành nghề không được kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì điều kiện thủ tục phải công khai, minh bạch. Việc đảm bảo thực hiện quyền tự do kinh doanh là một đòi hỏi cực kỳ quan trọng phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đảm bảo này được thể hiện ở việc xác định rõ những hành vi mà doanh nghiệp, các nhà đầu tư cần thực hiện hoặc cần tránh để không làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư khác. Đây chính là những chủ thể sẽ chịu những rủi ro khi việc kinh doanh của họ dựa trên việc đặt cược vào cách giải thích, cách hiểu của cơ quan chức năng.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp sẽ không thể yên tâm làm ăn nếu không có những quy định rõ ràng, cụ thể và ổn định về những gì mà “pháp luật không cấm” hoặc đặt điều kiện. Luật pháp công nhận quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng đề ra những nghĩa vụ mà doanh nghiệp phải tuân thủ để xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh. Chỉ khi doanh nghiệp cùng tuân thủ nghiêm túc những quy định pháp lý trên thị trường, khi đó môi trường kinh doanh mới thực sự bình đẳng cho mọi doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế NGUYỄN VIỆT KHOA
Trường Đại học Kinh tế TPHCM