Hãng Yonhap ngày 8-4 đưa tin, CHDCND Triều Tiên đang có những hoạt động chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ 3. Thông tin này được tiết lộ vào thời điểm Triều Tiên đã đưa tên lửa Unha-3 vào bệ phóng chuẩn bị cho vụ phóng vệ tinh gây nhiều tranh cãi.
Thu hút dư luận
Nguồn tin từ cơ quan tình báo Hàn Quốc, những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Triều Tiên đang gần hoàn tất việc đào một đường hầm mới bên cạnh hai đường hầm cũ tại khu vực sẽ thử hạt nhân tại phía Đông Bắc thị trấn Punggye-ri. Đây cũng là nơi Triều Tiên từng tiến hành 2 vụ thử hạt nhân vào năm 2007 và 2009. Triều Tiên cũng từng ám chỉ sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân mới nếu Mỹ và phương Tây liên tục gây sức ép và ngừng viện trợ cho nước này theo những thỏa thuận hồi tháng 2.
Theo hãng tin KCNA, 30 phóng viên của 21 hãng truyền thông nước ngoài đã tới thủ đô Bình Nhưỡng để đưa tin vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên. Trước đó, Triều Tiên cũng đã chính thức mời các nhà quan sát quốc tế từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và nhiều quốc gia khác tới quan sát vụ phóng vệ tinh, song đã bị từ chối.
Các nhà báo nước ngoài tại trung tâm vũ trụ Tongchang-ri cho biết, tên lửa tầm xa của Triều Tiên dự kiến dùng để phóng một vệ tinh vào quỹ đạo đã được lắp đặt vào bệ phóng. Triều Tiên đã cho phép giới truyền thông tiến hành một chuyến thị sát chưa từng thấy để chứng minh rằng tên lửa Unha-3 không phải là một tên lửa đạn đạo được ngụy trang như Mỹ và các đồng minh của họ, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản đã cáo buộc.
An ninh cũng được tăng cường với một rào chắn hoặc chốt kiểm soát an ninh được thiết lập cho các phương tiện đi vào khu vực từ phía Tây, con đường duy nhất dẫn tới bệ phóng từ các cơ sở chính khác tại bãi thử.
Nhật - Hàn - Trung quan ngại
Cùng ngày, tại cuộc họp của ngoại trưởng 3 nước Đông Bắc Á, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã bày tỏ quan ngại trước kế hoạch phóng tên lửa của Triều Tiên và hối thúc cần phải tăng cường các hoạt động ngoại giao hơn nữa để giải quyết tình hình này. Theo ông Dương Khiết Trì, các vấn đề này cần phải được tháo gỡ bằng biện pháp ngoại giao và hòa bình. Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung-Hwan cho rằng vụ phóng tên lửa này sẽ thể hiện bước thụt lùi của Bình Nhưỡng trong bối cảnh họ đang tìm cách tái hòa nhập với cộng đồng quốc tế. Về phía Nhật Bản, Ngoại trưởng Koichiro Gemba nhận định kết quả quan trọng thu được từ cuộc họp trên là kế hoạch tiếp tục hợp tác nhằm ngăn chặn vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng.
Nhật Bản đã hoàn tất việc triển khai các khẩu đội tên lửa Patriot tại 3 vị trí quân sự ở thủ đô Tokyo và 3 khu trục hạm Aegis mang tên lửa đánh chặn đã được điều tới biển Hoa Đông. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đã đưa tên lửa đánh chặn PAC-3 đến các căn cứ và khu vực huấn luyện của lực lượng phòng vệ ở Tokyo, Narashino, Chiba, Asaka và Saitama. Thủ tướng Yoshihiko Noda trước đó đã chấp thuận đề xuất về việc bắn hạ tên lửa Triều Tiên nếu nó đe dọa lãnh thổ Nhật Bản. Tokyo từng ra lệnh lập hệ thống đánh chặn tên lửa trước khi Triều Tiên phóng thử tên lửa tầm xa vào năm 2009. Tên lửa mà Triều Tiên phóng lần đó bay qua lãnh thổ Nhật Bản và không có sự cố nào xảy ra. Mỹ và Hàn đã có những hoạt động quân sự tương tự để đề phòng vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên.
Thanh Hằng (tổng hợp)
| |
| |