Gây sức ép với Mỹ - Hàn
Cũng theo JCS, trong vụ phóng tên lửa mới nhất, 2 tên lửa của Triều Tiên cũng xuất phát từ một bệ phóng tên lửa di động (TEL), giống như vụ phóng của nước này hôm 25-7. Vụ phóng mới nhất dường như là một cuộc thử nghiệm vũ khí, với độ cao khá thấp của tên lửa (chỉ khoảng 30m), nhằm gây sức ép buộc Hàn Quốc và Mỹ ngừng các cuộc tập trận dự kiến diễn ra vào đầu tháng 8, cũng như tăng cường vị thế đàm phán của Bình Nhưỡng trước khi nối lại đàm phán hạt nhân với Mỹ. Theo giới chuyên gia, Bình Nhưỡng có thể tiến hành thêm các vụ phóng tên lửa cho đến khi cuộc tập trận Mỹ - Hàn kết thúc. Bên cạnh đó, vụ phóng này còn phát đi thông điệp rằng các cuộc đàm phán có thể đổ bể nếu Mỹ không hành động và đưa ra những điều khoản gần hơn với những yêu cầu của Bình Nhưỡng.
Cùng ngày, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã triệu tập phiên họp khẩn Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) nhằm thảo luận vụ việc trên. Người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Ko Min-jung cho biết giới chức tình báo Hàn Quốc và Mỹ đang phân tích chi tiết vụ phóng. Quân đội Hàn Quốc đang giám sát tình hình và duy trì tư thế phòng thủ. Văn phòng của Tổng thống cũng đang được đặt ở trạng thái sẵn sàng phản ứng khẩn cấp.
Với 2 vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn trong vòng một tuần, dư luận đang dấy lên nghi ngờ về triển vọng đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên, mặc dù 2 bên đã nhất trí khôi phục các cuộc đối thoại. Tuy Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa đưa ra bình luận gì về vụ phóng tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng, nhưng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bày tỏ hy vọng rằng các cuộc đối thoại hạt nhân giữa nước này và Triều Tiên sẽ sớm được nối lại. Theo đánh giá của ông Pompeo, động thái của Bình Nhưỡng là một chiến thuật nhằm thúc đẩy sự tiến triển của các cuộc đối thoại đang bế tắc. Trong khi đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định nước này vẫn tìm kiếm cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên mà không kèm điều kiện tiên quyết, bất chấp việc Bình Nhưỡng lại phóng thử tên lửa ra vùng biển Nhật Bản.
Nghi vấn về tàu ngầm mới của Triều Tiên
Cùng ngày, nghị sĩ Lee Hye-hoon, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Quốc hội Hàn Quốc, cho biết loại tàu ngầm mới được chế tạo của Triều Tiên có khả năng mang 3 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM). Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã xác định rằng loại tàu ngầm này của Triều Tiên hiện đã sẵn sàng cho việc triển khai sớm. Loại tàu ngầm này dường như lớn hơn so với tàu ngầm lớp Gorae 2.500 tấn. Trước đó, truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã kiểm tra một loại tàu ngầm mới và tuyên bố loại vũ khí này sẽ sớm thực hiện nhiệm vụ tại vùng biển phía Đông của Triều Tiên. Theo báo Choson Sinbo, việc các phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên đề cập vị trí triển khai của tàu ngầm là rất đáng chú ý. Đây là một thông điệp gửi đến Washington liên quan việc nối lại các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ.
Động thái thị sát tàu ngầm mới của nhà lãnh đạo Kim Jong- un diễn ra chưa đầy một tháng, sau khi ông tổ chức cuộc gặp bất ngờ với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Làng đình chiến Panmunjom và đồng ý nối lại các cuộc đàm phán cấp chuyên viên giữa 2 nước về phi hạt nhân hóa. Theo kế hoạch, các cuộc đàm phán này sẽ được tiến hành vào giữa tháng 7, nhưng cho tới nay vẫn chưa được thực hiện.