Đầu tháng 6, hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi cùng Vietnam Airlines (VNA) tổ chức khai trương đường bay Hà Nội – Chu Lai – Hà Nội với 4 chuyến/tuần và giá vé giảm 50% còn 400.000 đồng/người/lượt. Trước đó, đường bay TPHCM – Chu Lai – TPHCM với tần suất 5 chuyến/tuần cũng đã triển khai. Đây là chuyện bình thường với địa phương khác nhưng rất quan trọng với hai tỉnh đang phát triển và cần thu hút đầu tư như Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Để duy trì đường bay, tỉnh Quảng Ngãi chi gần 7 tỷ đồng hỗ trợ giá vé máy bay và đưa – đón hành khách từ TP Quảng Ngãi đến sân bay Chu Lai (Quảng Nam). Tỉnh Quảng Nam vẫn tiếp tục duy trì miễn phí đưa đón hành khách từ TP Tam Kỳ đến sân bay Chu Lai. Đây là động thái cầu thị của hai tỉnh nhằm rút ngắn hai đầu đất nước về phía mình. Điều ấy cũng đồng nghĩa với việc nhà đầu tư sẽ “cảm thấy gần” miền Trung hơn dù ở TPHCM hay Hà Nội.
Hơn mười năm trước, hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đã thực hiện nhiều chính sách “xé rào” để thu hút các nhà đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) và Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi). Tuy nhiên, muốn đến Quảng Nam hay Quảng Ngãi, nhà đầu tư từ TPHCM (hoặc Hà Nội) đi máy bay phải “quá cảnh” Đà Nẵng, sau đó di chuyển bằng phương tiện khác từ 70 đến 120km để đến công ty, nhà máy của mình. Điều này không những tốn quá nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc của nhà đầu tư mà tạo nên một “rào cản tâm lý” khó vượt qua.
Mở đường bay nối hai đầu đất nước với hai khu kinh tế trọng điểm miền Trung được xem như là chính sách “xé rào… kiểu mới” để thu hút đầu tư và người dân hai tỉnh đi lại dễ dàng hơn.
NGUYÊN KHÔI