
Hỏi: Xin cho biết nguồn gốc thành ngữ “Trời không dung, đất không tha”.
Lê Thanh Tiến (Thị trấn Dương Tơ, Phú Quốc, Kiên Giang)

Vũ Tắc Thiên
Hoàng Anh: Lạc Tân Vương (640 – 684) người Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, là một trong bốn nhà thơ lớn (“Văn đàn tứ kiệt”) của Trung Hoa ở thế kỷ VII. Năm 690, thái hậu Vũ Tắc Thiên (tên là Vũ Chiếu, 624 – 705) phế vua Duệ Tông nhà Đường, tự xưng hoàng đế, lập ra nhà Chu (690 – 705).
Lạc Tân Vương bỏ chức quan, tham gia cuộc nổi dậy do viên tư mã Từ Kính Nghiệp cầm đầu. Trong bài “Thảo Vũ Chiếu hịch” (hịch đánh Vũ Chiếu), Lạc Tân Vương kể tội Vũ Tắc Thiên và kết luận: “Thần nhân chi sở đồng tật, thiên địa chi sở bất dung” (Thần và người đều ghét, trời đất không dung tha).
Hơn 8 thế kỷ sau, trong “Bình Ngô đại cáo” viết năm 1428, Nguyễn Trãi nói về tội ác của quân Minh: “Thần dân chi sở công phẫn, thiên địa chi sở bất dung” (Thần và người đều giận, trời đất không dung tha).
Trong tuyên bố ngày 29-8-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên án chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp khủng bố Phật tử và đồng bào miền Nam: “Tội ác dã man của chúng, trời đất không thể dung. Hành động hung tàn của chúng, nhân dân ta đều căm giận” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập XI, tr. 124).
Thành ngữ “trời không dung, đất không tha” bắt nguồn từ “Thảo Vũ Chiếu hịch”.