Trồng cây cao su tại miền Trung: “Canh bạc” với trời?

Ngoài thiệt hại về người và tài sản, bão số 10 đổ bộ vào Quảng Trị và Quảng Bình còn khiến hơn 10.000ha cao su đang và chuẩn bị thu hoạch gãy đổ, mất trắng. Nếu không có bão thì mỗi năm, hàng ngàn cây cao su ở 2 địa phương này cũng buộc phải đốn hạ vì sâu bệnh do thời tiết bất thường. Vậy là hơn 10 năm trồng và phát triển cao su, người nông dân bắt đầu hoài nghi loại cây này đối với người dân miền Trung có phải là hướng xóa nghèo bền vững hay là một “canh bạc” với trời?

Ngoài thiệt hại về người và tài sản, bão số 10 đổ bộ vào Quảng Trị và Quảng Bình còn khiến hơn 10.000ha cao su đang và chuẩn bị thu hoạch gãy đổ, mất trắng. Nếu không có bão thì mỗi năm, hàng ngàn cây cao su ở 2 địa phương này cũng buộc phải đốn hạ vì sâu bệnh do thời tiết bất thường. Vậy là hơn 10 năm trồng và phát triển cao su, người nông dân bắt đầu hoài nghi loại cây này đối với người dân miền Trung có phải là hướng xóa nghèo bền vững hay là một “canh bạc” với trời?

Theo tính toán, chi phí đầu tư cho 1ha cao su trồng mới gồm tiền khai hoang đất rừng 15 - 20 triệu đồng, cây giống 12 triệu đồng, phân bón, công lao động tổng cộng khoảng 40 triệu đồng, chưa kể tiền nuôi ăn người giữ và chờ cây cho thu hoạch. Một cán bộ nghiên cứu lâm nghiệp tại Đại học Nông lâm Huế so sánh: 1ha trồng keo lá tràm sau 5 năm sẽ mang lại lợi nhuận từ 5 - 7 triệu đồng. Với diện tích ấy nếu trồng cây cao su, sau 7 năm đưa vào khai thác mủ, lợi nhuận hàng năm tăng gấp 4 lần so với trồng cây keo. Nhưng cây cao su thân giòn không chịu được sức gió mạnh nên dễ gãy đổ. Và khi đổ gãy là vứt đi. Cũng theo vị cán bộ khoa học này, ngành chức năng và người dân tại miền Trung khi mở rộng diện tích trồng cao su không tính đến việc trồng rừng tạo vành đai phòng hộ, chắn gió. Một nguyên nhân nữa là do giá cả quá hấp dẫn khiến nhiều hộ trồng cạo mủ cao su theo kiểu “vắt kiệt” trong 6 ngày liền mới nghỉ 1 ngày, trong khi kỹ thuật canh tác yêu cầu 2 ngày khai thác, 1 ngày nghỉ.

Kết quả khảo sát trong 10 năm liên tục thì bình quân mỗi năm, ở miền Trung có ít nhất 3 cơn bão đổ bộ vào đất liền. Trong 3 cơn bão ấy thì có 1 cơn sức gió ít nhất là cấp 8 - 9, đủ để “hạ gục” rừng cao su - giống cây luôn phải để nhiều cành, xòe tán rộng để lá quang hợp tốt nhằm tạo được nhiều mủ. Và mỗi lần bão gió xô đẩy, cây cao su giảm tuổi thọ, ảnh hưởng mạnh đến quá trình tái sinh làm mủ về sau và phát sinh các loại bệnh…

Để giúp người trồng cao su tại miền Trung, nhất là 2 tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình, khắc phục thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra, chính quyền các địa phương cần khẩn cấp hỗ trợ cho những hộ có diện tích cao su tiểu điền bị gãy, đổ để mua mỡ zenlin bôi vào vết cạo chống lở loét, nhiễm nấm hồng và nhiều loại bệnh khác trên cây cao su. Khuyến cáo người dân trồng thêm đai cây xanh chắn gió. Đồng thời, khi trồng và chăm sóc, khai thác mủ phải đúng quy trình kỹ thuật để bảo vệ vườn cây phát triển bền vững. Mặt khác, thời tiết và thổ nhưỡng tại miền Trung được đánh giá là không tối ưu cho việc phát triển cây cao su, có thể dẫn đến hiệu quả kinh tế không bảo đảm. Vì vậy, các ban ngành Trung ương và địa phương cần tổ chức những hội thảo khoa học để đánh giá, cũng như tìm ra hướng đi bền vững giúp người trồng cao su tại miền Trung.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục