Những ngày này các làng hoa kiểng ở ĐBSCL đang tất bật vào vụ sản xuất phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm 2011. Rút kinh nghiệm vụ hoa kiểng năm 2010 bị lỗ nặng do ế ẩm, năm nay dân trồng hoa kiểng ở Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang… không sản xuất đại trà mà tập trung vào những mặt hàng chủ lực, đồng thời nâng cao chất lượng hoa kiểng.
Hoa tết đã sẵn sàng
Huyện Chợ Lách (Bến Tre) được mệnh danh “vương quốc hoa kiểng” ở ĐBSCL. Đi dọc quốc lộ 57 về các xã Long Thới, Hưng Khánh Trung, Vĩnh Thành… chúng tôi chứng kiến hàng ngàn hộ dân đang khẩn trương trồng hoa kiểng bán tết. Ông Phạm Văn Một, ở xã Long Thới cho biết: “Cả tháng nay, cứ mờ sáng phải ra vườn chăm sóc hoa kiểng, mỗi năm một đợt bán tết nên phải chăm sóc hàng cho đẹp mới mong được giá cao”. Năm nay, gia đình ông Một trồng hơn 3.000 chậu tắc kiểng. Để những chậu tắc phát triển tốt, trái nhiều… ông phải cất công nhiều ngày chiết cành, vô bịch, làm gốc, bón phân, xịt thuốc…
Ước tính, tắc loại nhỏ (cao 0,8 - 1m) nếu bán được giá bình quân 20.000 đồng/chậu thì tết này gia đình ông Một thu nhập khoảng 60 triệu đồng. Theo chị Nguyễn Thị Phượng, ở ấp Tân An, xã Long Thới, để có 1.000 chậu cúc mâm xôi đẹp cho thị trường tết, từ tháng 7 đã phải làm giống đưa vào chậu chăm sóc. Hàng ngày theo dõi diễn biến thời tiết đề phòng các loại bệnh thường gặp như đốm vàng, cháy lá, thúi rễ… Ngoài việc phòng bệnh, vấn đề quan trọng đối với cúc mâm xôi là xử lý cho ra bông ngay dịp tết để bán có giá. Chị Phượng cho rằng, nếu thời tiết từ nay trở đi hơi lạnh và không có mưa trái mùa, cúc mâm xôi sẽ có giá.
Trong lúc hàng ngàn hộ làm kiểng lá, ông Năm Công ở xã Hưng Khánh Trung chọn cho mình hướng đi riêng bằng kiểng thú. Ông Năm Công cho biết, ông vừa làm cặp rồng dài 18m/con và nhà bát giác bằng kiểng bán ra tận Hà Nội với giá 100 triệu đồng. Hiện tại, ông Công và nhóm thợ đang khẩn trương sản xuất hàng trăm con mèo bằng kiểng để bán vào dịp Tết Tân Mão với giá bình quân khoảng 3 triệu đồng/cặp.
Tại làng hoa thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp), nhiều hộ cũng chăm sóc từng bông hoa kiểng phục vụ tết. Ông Bảy Việt, ở phường Tân Quy Đông, tiết lộ: “Tôi đang xử lý nhiều giải pháp để cả ngàn gốc mai nở đúng dịp tết. Từ nay trở đi sẽ dành hết thời gian chăm sóc cho mai càng đẹp để bán được giá”. Có thể nói, khắp làng hoa kiểng thị xã Sa Đéc người nào cũng tất bật tưới nước, tỉa cành... Hộ trồng nhiều đến hàng chục ngàn chậu hoa, hộ trồng ít cũng vài ba ngàn chậu. Tất cả đang vào cao điểm chăm sóc phục vụ thị trường tết.
Sản xuất theo thị trường
Xuất khẩu kiểng thú Theo UBND huyện Chợ Lách, năm 2009, một số doanh nghiệp từ Singapore đã đến tận xã Hưng Khánh Trung tìm hiểu mô hình sản xuất kiểng thú ở đây rồi đặt mua 2 container kiểng thú với giá cao. Năm 2010, các cơ sở tiếp tục xuất 4 container kiểng thú sang Singapore. Ngoài ra, thị trường Campuchia, Trung Quốc… cũng có nhu cầu tiêu thụ kiểng thú số lượng lớn, đây là hướng đi mới đầy triển vọng của nghề trồng hoa kiểng ở ĐBSCL. |
Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, cho biết: Toàn huyện có 4.715 hộ sản xuất hoa kiểng, với sản lượng bình quân 10 triệu sản phẩm/năm; trong đó riêng thị trường tết cung ứng từ 4 - 5 triệu sản phẩm. Hoa kiểng Chợ Lách hầu như được tiêu thụ khắp cả nước, nhiều nhất tại TPHCM. Theo ông Liêm, tết năm ngoái, hàng loạt hộ trồng hoa ở Chợ Lách lỗ te tua do số lượng hoa kiểng tồn đọng quá nhiều, hơn 2,4 triệu sản phẩm các loại, khiến bị dội chợ, rớt giá, chất lượng hoa kém…
Rút kinh nghiệm, năm nay dân trồng hoa Chợ Lách mạnh dạn thay đổi cách làm từ sản xuất đại trà sang cung ứng theo nhu cầu tiêu thụ. Ông Lê Phước Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách, bộc bạch: “Tết này sẽ tập trung vào những loại cây thế mạnh như mai vàng, tắc, kiểng thú… Huyện khuyến cáo các hộ không nên chạy theo số lượng mà đầu tư nâng cao chất lượng để tăng sức cạnh tranh. Đối với mai vàng phải làm cây lớn, bông nhiều và đẹp; tắc nên chọn loại cây vừa phải, trái đều, giá bán từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng/cây. Riêng kiểng thú là hàng “độc” của xứ Chợ Lách hy vọng sẽ được giá cao, nhưng cũng không sản xuất quá nhiều dẫn đến cung vượt cầu”.
Theo UBND thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp), thị trường hoa kiểng tết diễn biến khó lường, giá cả có thể thay đổi trong vài giờ dựa theo nhu cầu tiêu thụ. Dân trồng hoa kiểng chỉ cần trúng 1 hoặc 2 buổi chợ là có thể thu lời đậm, ngược lại nếu đụng hàng - dội chợ sẽ cầm chắc lỗ. Để hạn chế tình trạng trên, các ngành chức năng ở Bến Tre, Đồng Tháp đang liên lạc với các quận, huyện của TPHCM và các tỉnh để bố trí những điểm bán hoa kiểng thuận lợi trong dịp Tết Tân Mão. Song song đó, theo dõi chặt diễn biến thị trường để khuyến cáo người dân cung ứng loại nào nhiều, loại nào ít, bán tại đâu…
HUỲNH PHƯỚC LỢI