Mô hình gieo sạ, cấy lúa, bón phân bằng máy, cùng hệ thống tưới tiêu thông minh điều khiển từ xa, kết hợp máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu trên đồng ruộng đang được nông dân Đồng Tháp thực hiện. Với mô hình này, nông dân vừa tiết kiệm ngày công lao động, vừa nâng cao thu nhập, tạo ra chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hiệu quả, đặc biệt là bảo vệ tốt môi trường và sức khỏe người dân.
Ứng dụng công nghệ
Xã Mỹ Đông thuộc huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) có diện tích trồng lúa trên 2.700ha. Nơi đây đang triển khai mô hình “Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến tiết kiệm nước, ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0”, quy mô khoảng 170ha thu hút nhiều nông dân tham gia.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, mục tiêu của mô hình sản xuất lúa tiên tiến là áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, ứng dụng cơ giới toàn diện trong sản xuất; hình thành chuỗi liên kết và tiêu thụ, nhằm tiết kiệm công lao động, giảm thất thoát, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân.
Ngoài ra, mô hình còn giúp người dân nâng cao năng lực và áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Qua đó, chủ động quản lý và tổ chức canh tác theo hướng hiện đại. Nơi đây còn tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về sản xuất lúa tiên tiến.
Nông dân tham gia mô hình sẽ áp dụng cơ giới toàn diện từ khâu làm đất, xuống giống, đến thu hoạch. Sử dụng giống lúa chất lượng cao, áp dụng phương pháp cấy máy, bón vùi phân, kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ trong quản lý nước, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái, ghi chép nhật ký sản xuất và truy xuất nguồn gốc bằng điện thoại thông minh… Đặc biệt, mô hình có hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp, nên nông dân không lo đầu ra.
Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Đông Đoàn Văn Tuấn cho biết, dự án được triển khai từ năm 2017, đến nay hoàn thành với tổng mức đầu tư gần 26 tỷ đồng. Thật ra, ban đầu cũng có những khó khăn, nhất là khâu xây dựng hạ tầng, chính quyền địa phương phải vận động người dân hiến đất để đầu tư giao thông nội đồng. Lúc đó người dân chưa hiểu lợi ích mô hình, nên ngán ngại; sau khi vận động nhiều hộ đã tự nguyện tham gia.
Đến nay, vùng dự án được đầu tư trạm bơm điện đảm bảo tưới tiêu cho 170ha đất sản xuất lúa; kênh bê tông có chiều dài 4.317m dẫn nước tưới từ trạm bơm đến ruộng lúa, đồng thời tiêu thoát nước trong mùa mưa lũ; hệ thống quan trắc mực nước từ xa bằng điện thoại di động để vận hành máy bơm; làm đường giao thông nội đồng bằng bê tông, chiều dài hơn 3.600m, rộng 3m, tải trọng 5 - 6 tấn. Ngoài ra, mô hình còn áp dụng thiết bị máy tích hợp đa tính năng vừa sạ, cấy máy và bón vùi phân cùng lúc.
Bảo vệ sức khỏe nông dân
Phòng NN-PTNT huyện Tháp Mười cho biết, trước đây nông dân có thói quen sạ dày, nay dùng máy để sạ lúa nên tiết kiệm được lượng giống. Khi xuống giống phải theo lịch chung của huyện và liên kết với các công ty tiêu thụ. Đối với lúa giống, nông dân được hỗ trợ 900 đồng/kg lúa tươi; khi tới mùa thu hoạch, nhân viên của công ty đến ruộng định ngày cắt và chốt giá theo thị trường để thu mua.
Có thể nói, mô hình sản xuất lúa 4.0 giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm nhân công lao động. Đặc biệt, áp dụng phun thuốc bằng máy bay không người lái sẽ cho năng suất cao gấp khoảng 20 lần so với phun thủ công, tiết kiệm khoảng 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật so với truyền thống. Điều quan trọng là đảm bảo an toàn sức khỏe cho nông dân và mang lại hiệu quả cao. Mặt khác, tại các tuyến giao thông nội đồng được bố trí các hố chứa rác thải nông nghiệp (bao bì, chai, lọ). Sau đó, có đơn vị chuyên dụng đến tận nơi thu gom rác thải mang đi xử lý, không ô nhiễm môi trường.
Ủng hộ mô hình này, ông Nguyễn Văn Tám Sĩ (xã Mỹ Đông) tự nguyện hiến hơn 2 công đất để làm lộ nội đồng, giúp việc vận chuyển lúa thuận lợi. Tương tự, ông Nguyễn Văn Đồng (xã Mỹ Đông) cũng tự nguyện hiến khoảng 1 công đất làm giao thông. Ông Đồng cười hiền: “Thấy nhiều cái lợi từ mô hình sản xuất lúa 4.0 nên gia đình tôi rất ủng hộ”. Theo ông Đồng, nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu, được cán bộ nông nghiệp đến tận ruộng tư vấn kỹ thuật… tất cả đều miễn phí.
Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tháp Mười Bùi Văn Sơn nhận xét: “Qua kiểm định thực tế, lợi nhuận từ mô hình này tăng 1,9 - 2,1 triệu đồng/ha so sản xuất bên ngoài. Điều quan trọng là giúp nông dân thay đổi tư duy từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường tiêu thụ, hướng đến nền sản xuất lúa gạo bền vững, đảm bảo môi trường…”.
hó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng đánh giá cao kết quả bước đầu mang lại. Mô hình đã huy động được sự tham gia đầy đủ của đại diện chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo gồm doanh nghiệp, nông dân, nhà khoa học, chính quyền… tạo nên sự gắn kết phát triển ngành hàng lúa gạo. Vui mừng nhất là mô hình đã bảo vệ tốt sức khỏe cho nông dân, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh và sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.