Theo chương trình, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV sẽ tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Hơn 10 đạo luật sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua, trong đó có những bộ luật và luật có phạm vi điều chỉnh sâu rộng, tác động đến toàn bộ hệ thống chính trị cũng như tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Trong số này, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã bổ sung nhiều nội dung mới. Nếu được Quốc hội chấp thuận, lần đầu tiên phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của bộ luật sẽ được mở rộng đối với người lao động không có quan hệ lao động về một số tiêu chuẩn lao động; bổ sung quy định cụ thể hơn về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ nhằm bảo đảm quyền lợi lâu dài cho người lao động; điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, nhằm chuẩn bị, ứng phó với quá trình già hóa dân số, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động… Bộ luật cũng mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động. Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Theo báo cáo, năm 2019, kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng tích cực; kinh tế vĩ mô ổn định. Tăng trưởng kinh tế đạt cao nhất trong 9 năm qua; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; hầu hết ngành, lĩnh vực đều phát triển ổn định. Điều này càng có ý nghĩa khi mà kinh tế thế giới đang có mức tăng trưởng thấp nhất từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, dù cơ bản tán thành những nhận định tổng quan của Chính phủ nhưng Ủy ban Kinh tế - cơ quan thẩm tra - cũng đã thẳng thắn chỉ rõ một số vấn đề cần kịp thời chấn chỉnh. Trong đó, Ủy ban Kinh tế đã nhấn mạnh yêu cầu cần chú trọng hơn các lĩnh vực văn hóa, xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đáng lưu ý, cơ quan thẩm tra đề cập đến khá nhiều vấn đề môi trường nóng hổi, đang được toàn xã hội quan tâm, như tình trạng ô nhiễm môi trường liên quan sự cố cháy nổ, nhiễm bẩn nguồn nước sinh hoạt gây thiệt hại và để lại hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt, là đề nghị kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải vào các nguồn nước, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân tại một số địa phương. Nhiều ý kiến đề nghị phân tích rõ thực trạng ô nhiễm không khí, bụi mịn tới mức ảnh hưởng sức khỏe người dân tại Hà Nội và TPHCM.
Những yêu cầu trên đặt ra từ thực tiễn hết sức cụ thể: trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước xảy ra 2.959 vụ cháy, nổ, làm 76 người chết và 124 người bị thương. Tổng thiệt hại tài sản ước tính là 1.057 tỷ đồng. Trong đó, vụ cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội) gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới người dân sống trong khu vực. Gần đây nhất là vụ việc nguồn nước do Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà cấp cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội bị ô nhiễm, có hàm lượng chất Styren có nguồn gốc từ dầu thải cao hơn giới hạn cho phép từ 1,3 đến 3,65 lần…
Một nhận định hết sức quan trọng từ cơ quan thẩm tra là có sự chậm trễ trong công bố thông tin, chưa chủ động đánh giá và có biện pháp kịp thời khắc phục hậu quả của sự cố đối với hoạt động kinh tế - xã hội, môi trường, sức khỏe người dân; xử lý các sai phạm của tổ chức, người có thẩm quyền liên quan và doanh nghiệp. Trong bối cảnh Luật Tiếp cận thông tin (có hiệu lực từ tháng 7-2018) đã quy định cụ thể 15 loại thông tin phải được công khai rộng rãi, trong đó có “thông tin liên quan đến lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng”, thì sự chậm trễ này là nguyên nhân dẫn đến những bức xúc chính đáng.
Trên đây là những vấn đề chắc chắn sẽ “nóng” tại nghị trường trong hơn 1 tháng làm việc tới đây của Quốc hội. Không phải ngẫu nhiên mà tại các cuộc hội thảo gần đây, nhiều ý kiến đã đề cập đến “chỉ số hạnh phúc”, bên cạnh các chỉ tiêu kinh tế. Mà hạnh phúc, trước hết, là ở chỗ người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền hiến định và luật định.