Trọng trách người đứng đầu

Công chức phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân (TPHCM) hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính. Ảnh minh họa
Công chức phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân (TPHCM) hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính. Ảnh minh họa

Quy định số 148-QĐ/TW (Quy định 148) về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới đối với trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cùng với Quy định số 142-QĐ/TW (Quy định 142) về thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ của Bộ Chính trị ban hành trước đó, là bước tiến trong việc hoàn thiện cơ chế giao quyền và tăng trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ hiện nay. Theo đó, người đứng đầu không chỉ được quyền bổ nhiệm cấp dưới mà còn có quyền tạm đình chỉ cấp dưới nếu xét thấy cần thiết hoặc phát hiện dấu hiệu vi phạm.

Quy định 148 của Bộ Chính trị nêu rõ, người đứng đầu có quyền tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong 5 trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Một trong những căn cứ để tạm đình chỉ công tác là khi cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao, hoặc có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực thi công vụ. Điều này giúp người đứng đầu có thể thực hiện tốt chức trách của mình, đặc biệt trong giai đoạn đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực với yêu cầu ngăn chặn vi phạm từ sớm, từ xa.

Theo Quy định 148, tạm đình chỉ công tác không phải là một hình thức kỷ luật. Đây là biện pháp buộc cán bộ dừng thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong một thời hạn nhất định. Quy định này áp dụng đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và đơn vị sự nghiệp công lập.

Quy định 148 cũng đề cập đến quyền và trách nhiệm cán bộ bị tạm đình chỉ, đó là có quyền đề nghị người đứng đầu xem xét lại quyết định tạm đình chỉ công tác nếu có căn cứ xác định quyết định này là không đúng quy định. Họ sẽ được khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp khi cơ quan chức năng kết luận không vi phạm, không bị xử lý vi phạm. Cùng với Quy định số 117-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức Đảng, đảng viên bị kỷ luật oan, Quy định 148 là cơ sở để xem xét, khôi phục quyền lợi và thậm chí phải công khai xin lỗi cán bộ bị tạm đình chỉ oan.

Trước đây, quyền tạm đình chỉ công tác cán bộ thuộc về cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ, công chức (theo các quy định và Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức). Việc giao quyền tạm đình chỉ công tác cho người đứng đầu là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Đi kèm với việc tăng thẩm quyền thì Quy định 142 cũng như Quy định 148 đều quy định rõ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu làm sai. Việc này cũng góp phần chấn chỉnh tình trạng không có cá nhân nào phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra sai lầm trong giới thiệu nhân sự cũng như khi đội ngũ cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của mình có dấu hiệu sai phạm, làm ảnh hưởng công việc chung, tha hóa, biến chất, gây bức xúc trong dân, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng.

Các quy định mới ra đời làm rõ hơn tinh thần “nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ rõ, khi người đứng đầu được tăng quyền thì cũng phải có cơ chế ràng buộc trách nhiệm, nếu làm sai thì phải bị xử lý. Đi cùng với đó vẫn rất cần có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ, sát sao từ các cấp ủy, tổ chức Đảng, MTTQVN, đoàn thể và người dân các địa phương để việc thực thi quyền lực và trách nhiệm của người đứng đầu phát huy được hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục