Song rất tiếc, tài nguyên này đã chưa được khơi đúng nguồn. Thay vì đem lại những giá trị to lớn về tinh thần, vật chất, lễ hội nhiều năm qua đã trở thành một trở ngại cho xã hội với bao nỗi lo về biến tướng, về việc bị thương mại hóa…
Với mục tiêu tổ chức một mùa lễ hội bình yên, không có những hành vi trục lợi, khơi gợi lòng tham mà làm sai lệch bản chất của lễ hội, tại thời điểm này, nhiều địa phương từng được coi là “điểm nóng” về lễ hội đã có những tín hiệu tích cực.
Không dừng lại ở các văn bản hành chính, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện cũng cho biết, năm nay, lần đầu tiên bộ sẽ tổ chức hội nghị triển khai công tác quản lý, tổ chức lễ hội theo hình thức và tinh thần đổi mới. Ở diện hẹp, nội dung trở thành chuyên đề và các địa phương còn tồn tại “điểm nóng” sẽ phải “đăng đàn” để trực diện giải mã câu chuyện chống tiêu cực trong tổ chức lễ hội ở địa phương mình.
Với cách làm này, bộ sẽ mạnh tay, quyết liệt hơn nhằm chấn chỉnh, giải quyết những hiện tượng phản cảm, những mặt trái khiến nhân dân và dư luận phiền lòng trong nhiều mùa lễ hội trước đó. Cụ thể, bộ sẽ lựa chọn những vấn đề nổi cộm, tồn tại ở các lễ hội để phân chia thành các nhóm chuyên đề như nhóm có hiện tượng phản cảm, nhóm bạo lực, vi phạm thực hiện nếp sống văn minh, thương mại hóa, hay những vấn đề liên quan đến ban tổ chức lễ hội…
Với mỗi địa phương, sẽ có những câu hỏi, bài toán cụ thể về sự “xấu xí” của từng lễ hội và lãnh đạo từng địa phương sẽ phải đưa ra đáp án, thay vì đơn thuần là một báo cáo đánh giá, nhìn lại và lại rút kinh nghiệm như mọi năm. Đơn cử, Hà Nội sẽ phải đưa ra giải pháp chấn chỉnh hiện tượng phản cảm như phát lộc ở chùa Hương, tranh cướp lộc ở lễ hội Đền Sóc. Tuyên Quang, Yên Bái báo cáo về giải pháp chấm dứt tổ chức các lễ hội, hội chọi trâu không phải là lễ hội truyền thống. TP Hải Phòng báo cáo đề án đổi mới công tác quản lý và tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, với giải pháp nhằm đảm bảo an toàn, văn minh. Vĩnh Phúc, Phú Thọ báo cáo biện pháp, kế hoạch chấn chỉnh và chấm dứt các hiện tượng bạo lực trong lễ hội đả cầu, cướp phết tại Bàn Giản, Hiền Quan. Bắc Ninh trả lời câu hỏi chấm dứt như thế nào đối với các hiện tượng lộn xộn, mất an ninh trật tự, cờ bạc trá hình ở Hội Lim hay “nạn” đốt nhiều vàng mã ở đền Bà Chúa Kho…
Cùng thể hiện quyết tâm có một mùa lễ hội truyền thống, nơi người dân không phải chen lấn, xô đẩy, không lo bị cò mồi, ép giá… có thể thảnh thơi du xuân, chơi hội, Hà Nội đã ngay lập tức công bố nhiều đổi mới trong mùa lễ hội năm 2018. Quyết liệt nhất phải kể đến là việc thay đổi, chấm dứt hiện tượng “cướp” hoa tre và lộc trầu cau cầu may gây phản cảm trong Hội Gióng - Sóc Sơn. Sau nhiều năm mệt mỏi trong việc tìm giải pháp ngăn chặn biến tướng khiến nghi lễ “cướp lộc” đầy ý nghĩa nhân văn vốn có của lễ hội truyền thống bị bóp méo thành hành vi tranh cướp gây hỗn loạn, thậm chí dẫn đến đổ máu, nhà nghiên cứu văn hóa, PGS-TS Nguyễn Văn Huy, chuyên gia nghiên cứu Hội Gióng, cũng đồng tình với đề xuất này. Ông cho rằng, việc cướp lộc quá phản cảm, bỏ nghi thức đó đi cũng có thể coi là thử nghiệm. Mọi nghi lễ đều có sự thay đổi so với ngày xưa, chỉ có điều không được thay đổi bản chất lễ hội. Ban tổ chức lễ hội ở chùa Hương cũng bày tỏ quyết tâm ngăn chặn hiện tượng chèo kéo, “vòi” tiền bồi dưỡng đối với khách hành hương…
Kỳ vọng rằng với cách nhận diện, đề xuất giải pháp trực diện vào từng vấn đề cụ thể, từng điểm nóng, từ đó đưa ra các biện pháp nhằm khắc phục tồn tại và trên cơ sở đó, tham mưu xây dựng trình Chính phủ ban hành nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Ngoài ra, cần phân loại, phân cấp và giao trách nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội cho các bộ, chính quyền các cấp… để từng bước góp phần phát huy giá trị văn hóa, nhân văn vốn có của lễ hội, đáp ứng đời sống tinh thần của nhân dân.