Sau khi Thượng viện Mỹ thông qua Nghị quyết 412 về biển Đông, yêu cầu Trung Quốc trả lại nguyên trạng trên biển Đông như trước ngày 1-5-2014, dư luận quốc tế đã có những phản ứng về sự kiện này.
Nỗ lực ngăn ngừa xảy ra xung đột
Theo hãng tin AP, giới quan sát nhận định đây là động thái mạnh mẽ của Mỹ trước hàng loạt hành động gây hấn leo thang căng thẳng của Trung Quốc trên biển Đông trong thời gian qua. Nó cho thấy Mỹ đang nỗ lực nhằm ngăn ngừa xảy ra xung đột tại biển Đông. Nhưng liệu nghị quyết này có thể kiềm chế hay áp đặt được Trung Quốc hay không còn phải để thời gian trả lời.
Tờ Japan Times số ra ngày 12-7 đăng bài bình luận cho rằng đây là sự đáp trả của chính quyền Washington trước thái độ ngang ngược của Trung Quốc. Mỹ đang xây dựng ảnh hưởng ngày càng lớn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương khi nỗ lực củng cố quan hệ đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines. Trong khi đó, phía Trung Quốc đang hứng chịu những chỉ trích nặng nề về thái độ sai trái trên những vùng biển tuyên bố chủ quyền như biển Đông và biển Hoa Đông.
Còn theo tờ Financial Times, Bộ Quốc phòng Mỹ đang tiến tới việc xây dựng những chiến thuật quân sự mới để răn đe các hành động bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc trên biển Đông. Thách thức hiện nay đối với quân đội Mỹ là tìm ra những chiến thuật có tác dụng răn đe những động thái cực kỳ nguy hiểm trên của Trung Quốc mà không làm tình hình căng thẳng leo thang thành một cuộc xung đột quân sự.
Từ lâu, Mỹ đã thực hiện các hoạt động trinh sát hàng không trên biển Đông, tuy nhiên việc máy bay trinh sát thế hệ mới P-8A được đưa vào hoạt động trên vùng biển này chứng tỏ sự quyết liệt trong hoạt động giám sát tình hình của Mỹ. Bà Bonnie Glaser, chuyên gia châu Á tại Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS) cho rằng, những động thái mới của Mỹ cho thấy nước này quan tâm đến giải pháp hòa bình cho những tranh chấp trong khu vực và phản đối hành động bắt nạt của Trung Quốc.
Không tuân thủ luật pháp quốc tế
Báo Inquirer ngày 12-7 đưa tin, tại Hội thảo quốc tế về biển Đông do CSIS tổ chức tại thủ đô Washington (Mỹ), ông Michael Fuchs, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề chiến lược và đa phương, đã chỉ trích thái độ gia tăng khiêu khích của Trung Quốc trên biển Đông.
Ông Michael Fuchs bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng ngày càng gia tăng trên biển Đông, cho rằng cách hành xử của Trung Quốc cho thấy nước này không sẵn sàng trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Ông Fuchs cho biết, Mỹ mong muốn ASEAN và Trung Quốc có một cuộc thảo luận thực sự để thực hiện các cam kết kiềm chế trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002, hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC).
Theo ông Fuchs, Mỹ đã kêu gọi các quốc gia tuyên bố chủ quyền cần làm rõ và tự nguyện dừng các hoạt động và hành vi làm leo thang căng thẳng và bất ổn trong khu vực. Các cam kết đó sẽ giúp giảm căng thẳng và mở ra không gian cho các giải pháp hòa bình, đồng thời là một biện pháp xây dựng lòng tin mạnh mẽ trong bối cảnh có nhiều vấn đề khó khăn liên quan tới đàm phán COC. Bước đi đầu tiên đã được thể hiện trong DOC là các bên tranh chấp tái cam kết không thiết lập các căn cứ quân sự mới.
Quan trọng hơn, các bên tranh chấp có thể cam kết không chiếm đóng các thực thể địa chất mà bên tuyên bố chủ quyền khác đã chiếm giữ kể từ trước thời điểm DOC được ký kết tháng 11-2002. Về việc xây dựng và cải tạo đất, các bên yêu sách có thể làm rõ những loại thay đổi nào là “khiêu khích” và loại nào chỉ đơn thuần là các nỗ lực nhằm duy trì sự hiện diện từ lâu, phù hợp với nguyên trạng năm 2002.
Tại hội thảo, chuyên gia cao cấp về Luật Đông Á, giáo sư Jerome Cohen, cho biết những gì mà Trung Quốc đang làm khiến người ta hoài nghi về tuyên bố “cường quốc trỗi dậy hòa bình” của Bắc Kinh. Không chỉ sử dụng các biện pháp cưỡng ép trong đòi hỏi chủ quyền, Trung Quốc còn vi phạm cam kết đối với Công ước của LHQ về Luật Biển, chẳng hạn như từ chối tham gia vụ kiện của Philippines.
Giám đốc chương trình nghiên cứu Trung Quốc thuộc CSIS, Christopher Johnson, thì cho rằng hành động của Trung Quốc tại biển Đông là một chiến lược đã định sẵn chứ không phải là những chiến thuật hoặc phản ứng nhất thời đối với các nước láng giềng.
| |
THANH HẰNG (tổng hợp)
- Trung Quốc duy trì 6 tàu quân sự tại khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981