Chưa bao giờ hoạt động vận tải hành khách ở TPHCM lại đa dạng và đông đảo như hiện nay. Nào là xe buýt, taxi, xe ôm, xe ô tô công nghệ… Để cạnh tranh, các hãng xe còn liên tục tung ra rất nhiều chương trình khuyến mãi. Trong bối cảnh này, hành khách được lợi nhất. Thế nhưng, liệu đó có phải là tất cả?
Một sự kiện đã làm nóng các trang báo giấy lẫn báo mạng trong thời gian gần đây là tình trạng ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội và TPHCM. Theo các chuyên gia, một trong những nguồn gây ô nhiễm chính ở các thành phố lớn như TPHCM là khói thải của các phương tiện xe cơ giới. Ngoài sự gia tăng của các phương tiện giao thông cá nhân mà cơ quan chức năng chưa kiểm soát được, sự xuất hiện ngày một đông đảo của các phương tiện vận tải hành khách khối lượng nhỏ như các loại xe ôm, ô tô (loại nhỏ) công nghệ và không công nghệ đã và đang góp phần khiến gia tăng khối lượng khí thải.
Tình trạng mất an toàn giao thông cũng đang diễn biến phức tạp khi mà hầu hết các tài xế xe công nghệ cứ “vừa đi vừa xem điện thoại”. Theo Luật Giao thông đường bộ, đây là hành vi có nguy cơ gây mất an toàn cao cho cả người sử dụng điện thoại lẫn người cùng lưu thông; mức phạt đối với người điều khiển xe gắn máy 2 bánh từ 100.000-200.000 đồng và người lái ô tô 600.000-800.000 đồng. Ngoài ra, người lái xe vi phạm còn có thể bị tước giấy phép lái xe có thời hạn.
Nhờ nỗ lực của ngành chức năng, tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng vẫn được hạn chế, song sự gia tăng của các phương tiện giao thông đang làm cho việc đi lại của người dân thành phố ngày càng khó khăn. Có những đoạn đường, những cây cầu chỉ dài vài trăm mét nhưng phải đi hàng giờ mới qua được, ngày càng nhiều. Khi nhích từng bước trong “rừng” xe cũng đồng nghĩa với việc người đi đường phải hít khói bụi nhiều hơn… Thực trạng này chính là “mặt trái” của việc không kiểm soát được sự gia tăng của xe cá nhân và sự phát triển rầm rộ các phương tiện vận tải hành khách khối lượng nhỏ trong thời gian qua.
Đành chấp nhận cả “mặt trái” lẫn “mặt phải” của hiện tượng này, hay phải làm gì đó để giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực? Đây là câu hỏi khó có câu trả lời thỏa đáng trong bối cảnh hiện nay bởi sự năng động của các loại xe, đặc biệt là xe ôm công nghệ là không thể phủ định. Trong khi đó, xe buýt - loại hình vận tải có khối lượng vận chuyển cao hơn hẳn nhiều loại hình xe ô tô và xe máy công nghệ, đã được chứng minh an toàn, tiết kiệm năng lượng, lại đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Chưa kể, với nhiều người, các nguy cơ về ô nhiễm môi trường dường như rất xa vời và nguy cơ về tai nạn giao thông lại là “hên”, “xui”. Và với nhiều người nghèo, việc tham gia “chạy” xe ôm công nghệ còn là cơ hội mưu sinh, là nơi tìm nguồn thu nhập chính cho gia đình. Không ít sinh viên cũng coi đây là việc làm thêm để có tiền ăn học.
Như vậy, các cơ quan chức năng vẫn phải đi tìm câu trả lời khả dĩ nhất, bởi để bảo vệ môi trường, giữ gìn trật tự an toàn giao thông hướng tới sự phát triển bền vững cho TPHCM thì không thể chấp nhận một thực trạng giao thông tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, quá nhiều khói bụi như hiện nay. Hãy bắt đầu bằng việc khắc phục những tồn tại của hệ thống xe buýt, như nhanh chóng ban hành định mức trợ giá mới, làm làn đường ưu tiên cho xe buýt, lập lại trật tự vỉa hè, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận xe buýt một cách thuận tiện… Song song đó, phải xử lý nghiêm hành vi vừa điều khiển xe vừa sử dụng điện thoại. Tôn trọng việc mưu sinh của các tài xế xe công nghệ nhưng không có nghĩa là chấp thuận cho họ “vô tư” vi phạm luật giao thông. Tất nhiên, cũng phải xử lý nghiêm hành vi này với các tài xế khác. Hiện nay, kinh doanh vận tải bằng ô tô là ngành kinh doanh có điều kiện, nhưng “chạy” xe ôm thì chưa được quản lý. Nhiều tài xế xe ôm chưa có bằng lái, thiếu kinh nghiệm ứng xử nên đã để xảy ra nhiều trường hợp đáng tiếc, mất an toàn cho cả hành khách và người lái xe.
Trách nhiệm của ngành chức năng là phải giúp người dân hiểu và cùng với thành phố đưa ra quyết định sáng suốt trên tinh thần tránh chọn cái tiện trước mắt mà quên đi lợi ích bền vững lâu dài.