Trường học cần tiếp sức

Trong khi học sinh nghỉ học kéo dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thì giáo viên nhiều trường tại TPHCM phải lăn lộn làm thêm đủ nghề để kiếm sống. Thậm chí một số cơ sở trường học ngoài công lập tính đến chuyện giải thể hoặc sang nhượng mặt bằng. Trong khi đó, các giải pháp hỗ trợ vẫn còn đang được... xem xét.
Giáo viên Trường Mầm non Mỹ Đức (quận 12) làm thêm “nghề tay trái” trong thời gian trường học đóng cửa vì dịch Covid-19
Giáo viên Trường Mầm non Mỹ Đức (quận 12) làm thêm “nghề tay trái” trong thời gian trường học đóng cửa vì dịch Covid-19

Đủ cách cầm cự

Bắt đầu từ ngày 1-3, Trường Mầm non Việt Mỹ (quận 12, TPHCM) với hơn 150 trẻ đang theo học đã dán thông báo tạm ngưng hoạt động, hoàn trả tất cả hồ sơ, học phẩm của học sinh. Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận 12, cho biết trước đó vào đầu tháng 2, Trường Mầm non Việt Mỹ đã có công văn xin Phòng GD-ĐT tạm ngưng hoạt động để cải tạo sửa chữa. Tuy nhiên, do thời gian nghỉ học của học sinh kéo dài dẫn đến trường gặp nhiều khó khăn, buộc phải ra thông báo như trên. Trường đóng cửa đồng nghĩa với việc phụ huynh phải tự tìm chỗ khác gửi con khi thành phố có quyết định cho học sinh đi học lại. 

Cũng tại địa bàn quận 12, từ ngày Trường Mầm non Mỹ Đức tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến nay, các cô giáo phải kê bàn ngồi bán cam ngay trước cổng trường. Hình ảnh các cô giáo cặm cụi phân loại cam, rao hàng, cân đong cho khách khiến không ít người xót xa. Một số giáo viên khác của trường không lăn lộn bán buôn nhưng vì nhớ trẻ, nhớ nghề, lại cần trang trải đời sống nên đến tận nhà giữ trẻ cho phụ huynh. 

Qua ghi nhận cho thấy, do thời gian nghỉ học quá dài và chưa lường trước diễn biến tiếp theo của dịch Covid-19, hàng loạt cơ sở mầm non tư thục trên địa bàn các quận Thủ Đức, Bình Tân đã không thể “cầm cự” được nên quyết định rao bán trường. Chủ một cơ sở mầm non tư thục cho biết, chi phí trả tiền thuê mặt bằng và hỗ trợ lương cho giáo viên ngày một đè nặng và không còn khả năng gồng gánh thêm được. Còn chủ một cơ sở mầm non ở quận Bình Tân ngậm ngùi: “Khi quyết định sang nhượng cơ sở, hai vợ chồng cầm chắc lỗ nặng nhưng không còn cách nào khác vì trường học chưa biết khi nào mở cửa lại”. Trong khi đó, một số trường khác chọn giải pháp cắt giảm một phần nhân sự hoặc kêu gọi giáo viên chia sẻ khó khăn với nhà trường. Một thành viên ban giám hiệu Trường THCS-THPT Hồng Hà (quận Gò Vấp) cho biết, nếu cắt giảm nhân sự, trường sẽ gặp khó trong việc duy trì chất lượng hoạt động khi học sinh đi học trở lại. Do đó, hiện tại tất cả bộ phận quan trọng như bảo vệ, kế toán, bộ phận quản lý học sinh, giáo viên cơ hữu vẫn được trường duy trì để không ảnh hưởng công tác tổ chức. 

Cần chính sách hỗ trợ 

Trước tác động của dịch Covid-19, lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận Tân Bình cho biết, giữa tháng 2-2020, Phòng GD-ĐT quận Tân Bình đã có văn bản gửi hiệu trưởng các trường ngoài công lập, chủ các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn về nắm bắt khó khăn khi học sinh nghỉ học kéo dài. Trong văn bản tổng hợp gửi Sở GD-ĐT TPHCM và UBND quận Tân Bình, Phòng GD-ĐT đã đề xuất nhiều giải pháp như miễn, giảm thuế cho các đơn vị ngoài công lập, bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp thất nghiệp cho giáo viên, vận động chủ đất chia sẻ tiền thuê mặt bằng với chủ cơ sở… Tương tự, Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Tân Ngô Văn Tuyên cho biết, Phòng GD-ĐT đã có công văn gửi UBND quận đề xuất việc giảm thuế, giúp các trường vượt qua giai đoạn khó khăn. 

Theo Sở GD-ĐT TPHCM, hiện sở mới nhận được văn bản đề nghị hỗ trợ của một phòng GD-ĐT trên tổng số 24 quận, huyện. Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn đã giao nhiệm vụ cho Phòng Kế hoạch Tài chính nắm tình hình các cơ sở để tổng hợp ý kiến trình UBND TP chính sách hỗ trợ các đơn vị bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, trưởng phòng GD-ĐT một quận ở vùng ven cho biết, do chưa có kế hoạch thời gian chi tiết từng khối lớp khi nào học sinh đi học trở lại nên địa phương lúng túng trong việc đề xuất kinh phí hỗ trợ. Bên cạnh đó, học sinh nghỉ học kéo dài không chỉ khiến trường tư gặp khó mà ngay cả hệ thống công lập cũng không có nguồn trả lương cho các vị trí việc làm như bảo vệ, tạp vụ, bảo mẫu, cấp dưỡng (làm việc theo hình thức hợp đồng lao động có thời hạn) do không có nguồn thu bán trú và học phí buổi hai. Đặc biệt, với các trường theo mô hình tiên tiến, hiện đại, các trường cũng đề xuất Sở GD-ĐT có thêm hướng dẫn đối với các khoản thu ngoài học phí.

Mặc dù học sinh không đến lớp nhưng đại diện các hệ thống trường tư thục như Vinschool, Việt Úc, Á Châu… cho biết vẫn trả lương đầy đủ cho giáo viên để giữ chân đội ngũ. Ông Nguyễn Đức Quốc, Chủ tịch Tập đoàn giáo dục quốc tế Nam Việt (đơn vị đầu tư Trường THCS-THPT Nam Việt), cho biết, giáo viên cơ hữu của trường được trả lương đầy đủ trong gần 2 tháng học sinh nghỉ học. Riêng đội ngũ phục vụ gián tiếp như tài xế, cấp dưỡng, nhân viên phục vụ được hỗ trợ 70% lương. Hiệu trưởng một trường mầm non tư thục ở quận 7 cũng tiết lộ, chủ đầu tư vừa quyết định trích toàn bộ lợi nhuận năm để trả lương cho giáo viên, đảm bảo không một giáo viên cơ hữu nào bị ảnh hưởng thu nhập để động viên tinh thần và duy trì hiệu suất đào tạo.

Tin cùng chuyên mục