Ngày 27-3 vừa diễn ra hội thảo về Trường Lũy với chủ đề “Lịch sử quan hệ kinh tế và dân tộc”. Tham dự có Đại sứ Trưởng đoàn Liên minh châu Âu; 6 đại sứ châu Âu tại Việt Nam gồm: Ba Lan, Pháp, Anh, Hy Lạp, Romania, Hungary; một số chuyên gia nước ngoài; đại diện Bộ Ngoại giao; Viện Khoa học xã hội Việt Nam; Viện Khoa học lịch sử Việt Nam; Viện Khảo cổ học tại Việt Nam; Trường Viễn Đông bác cổ Pháp; một số nhà khoa học trong và ngoài nước.
Trước khi tổ chức hội thảo, đoàn đại sứ 6 nước châu Âu và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương và các nhà khoa học trong và ngoài nước đã đi điền dã tại 4 điểm của di tích Trường Lũy ở xã Ba Động, huyện Ba Tơ và xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành. Tại đây, di tích Trường Lũy đã thu hút các nhà ngoại giao và nhà nghiên cứu khoa học không chỉ vì yếu tố kiến trúc độc đáo mà còn ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa.
Tại hội thảo, tiến sĩ sử học Andrew Hardy (Anh), người nhiều năm hoạt động nghiên cứu tại châu Á, trong đó có Việt Nam cho rằng, Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định là công trình dài nhất Đông Nam Á. Sự khác biệt giữa Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định với các công trình khác ở chỗ có sự giao thoa giữa cách sắp xếp đá, đất.
Điều đặc biệt nhất có thể không tìm thấy trên thế giới là sự phối hợp, thỏa thuận giữa hai cộng đồng người Kinh và Hrê trong quá trình xây dựng trường lũy. Do đó, trước hết nó mang ý nghĩa hòa bình, ý nghĩa kinh tế, giao thương rồi mới đến ý nghĩa quân sự.
Đồng quan điểm này, tiến sĩ kinh tế học Alain Henry, Giám đốc Cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam, cho rằng: “Khi có đường sẽ mở ra mối quan hệ văn hóa dân cư lẫn nhau; đặc biệt có đường mở ra buôn bán, thương mại”.
Qua nghiên cứu, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy các công trình liên quan đến di tích này, đặc biệt có hơn 50 đồn bảo và một con đường cổ chạy dọc theo lũy. Ngoài ra còn những mảnh gốm men, sứ Trung Hoa đời Thanh, gốm nung, sành của miền Trung...
Những nhà nghiên cứu nhận định: Đây là những sản phẩm có được qua sự giao lưu thương mại. Dọc theo lũy còn mở ra nhiều cửa và có các chợ phiên. Giáo sư nhân học Oscar Salemink (Hà Lan), Đại học Copenhagen, nói: “Theo các tư liệu tôi đã đọc thế kỷ 19 và thế kỷ 20, Trường Lũy là sơn phòng và là mối quan hệ thương mại giữa vùng sâu, vùng xa với đồng bằng”.
Năm 2005, nhóm các nhà nghiên cứu thuộc trường Viễn Đông bác cổ và Viện Khảo cổ học Việt Nam chính thức bắt tay vào nghiên cứu Trường Lũy. Theo đó, Trường Lũy được xây dựng khoảng thế kỷ 17 - 19, có tổng chiều dài 130km, riêng tại Quảng Ngãi là 111km, kéo dài từ huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi đến huyện An Lão, tỉnh Bình Định.
Trường Lũy là công trình có giá trị văn hóa đặc biệt, công sức của người dân lao động trải qua bao đời bồi đắp xây dựng nên.
Mới đây, Bộ VH-TT-DL công nhận di tích này là di tích quốc gia. Chính vì vậy, việc đại sứ một số nước châu Âu tại Việt Nam, các nhà khoa học trong và ngoài nước đến thăm và nghiên cứu Trường Lũy là cơ hội để quảng bá di tích này đến các nước trên thế giới; là điều kiện để tiến tới việc nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Anh Vinh