Hỏi: Trong cuốn Nam bộ xưa và nay (NXB TPHCM – Tạp chí Xưa và Nay xuất bản, 2001), ở bài viết “Đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho”, tác giả L.T.K.P. viết: “Nhà bác học Trương Vĩnh Ký cũng thường xuyên mua vé (xe lửa - LTH) khi về Mỹ Tho, lên Sài Gòn dạy tại ngôi trường mang tên ông – Petrus Ký (tức Lê Hồng Phong ngày nay)” (tr. 136). Điều này có đúng không?
Phan Ngọc Kim Loan (Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH – NV, TPHCM)
LÊ TRUNG HOA: Điều này không đúng vì Trương Vĩnh Ký sinh năm 1837 và qua đời năm 1898, tức là ông sống trong thế kỷ XIX. Còn Trường Petrus Ký xây dựng năm 1926, khai giảng năm 1927 với 4 lớp nội trú dưới tên gọi Collège de Cochinchine. Năm 1928, trường mới mang tên nhà bác học Trương Vĩnh Ký. Như vậy, sau khi Trương Vĩnh Ký mất đúng 30 năm, trường mới mang tên ông.
Vả lại, có một nguyên tắc bất thành văn là chỉ khi nào một nhân vật nào đó qua đời thì tên người ấy mới được lấy làm địa danh.
(Theo Từ điển thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, 2001).