Ngày thứ ba kỳ họp thứ 16 HĐND TPHCM khóa VIII
(SGGPO).- Ngày 11-12, trong ngày làm việc thứ ba của kỳ họp 16 HĐND TPHCM khóa VIII, các đại biểu (ĐB) đã tập trung chất vấn nhiều vấn đề "nóng" liên quan đến đời sống người dân. Theo đánh giá của Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, các ĐB đã đặt những câu hỏi "sát sườn", phần trả lời của lãnh đạo sở ngành tuy đã nhìn nhận trách nhiệm nhưng giải pháp nêu ra vẫn còn chung chung.
Trợ giá xe buýt còn tiêu cực
Bắt đầu phần chất vấn và trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TPHCM Nguyễn Thành Chung thông tin về hiệu quả trợ giá cho hoạt động xe buýt. Theo đó, trải qua gần 12 năm thực hiện, xe buýt có trợ giá tăng sản lượng hành khách vận chuyển nhiều hơn 15 lần so với xe buýt không trợ giá, tức tăng thêm khoảng 320 triệu lượt hành khách. Tuy nhiên, việc trợ giá cho xe buýt vẫn còn một số tồn tại. Việc xé vé khống diễn ra khi một số chủ xe (chủ yếu tại các HTX nhỏ lẻ) đối phó để đạt chỉ tiêu sản lượng đặt hàng theo hợp đồng đã ký kết, được nhận đủ tiền trợ giá và không bị phạt.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Thành Chung trả lời chất vấn. Ảnh: Việt Dũng
Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng vé xe buýt giả, chủ yếu tập trung ở HTX Vận tải Quyết Tiến, cụ thể là tuyến xe buýt 65 (Củ Chi – Bến Thành). Tháng 8-2014, Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an TPHCM bắt Trưởng Ban Kiểm soát của HTX Quyết Tiến, hiện vụ việc đang được điều tra mở rộng.
Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ lái xe và nhân viên phục vụ có thái độ phục vụ kém, bỏ trạm không rước khách, chạy không đúng lộ trình quy định, thu tiền không xé vé... cũng ảnh hưởng đến việc thu hút hành khách đi xe buýt.
Sau phần giải trình của Giám đốc Sở GTVT, ĐB Phạm Hiếu Nghĩa đặt câu hỏi: Phải chăng thời gian qua TP thực hiện phương thức trợ giá gián tiếp qua các doanh nghiệp vận tải nên đã tạo kẽ hở trong công tác quản lý? Có nên chuyển phương thức trợ giá trực tiếp cho người dân?
Đại biểu Phạm Hiếu Nghĩa chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Việt Dũng
Ông Nguyễn Thành Chung cho biết, Sở GTVT đang lập dự án đầu tư thực hiện vé xe buýt điện tử thông minh, khi áp dụng sẽ là cách trợ giá trực tiếp cho hành khách đi xe buýt. Để nâng cao chất lượng dịch vụ của xe buýt, Sở GTVT tổ chức giám sát hoạt động xe buýt trên đường thông qua thiết bị giám sát hành trình để hạn chế các hành vi bỏ trạm, không đón khách, chạy tắt, chạy sai lộ trình...; đồng thời trong thời gian tới sẽ gắn thêm camera trên xe buýt. Trong chương trình sắp xếp lại luồng tuyến, Sở sẽ tăng tuyến để đảm bảo cho học sinh, sinh viên đi học đúng giờ.
Đối với đề nghị của ĐB Triệu Đỗ Hồng Phước về việc cử tri huyện Cần Giờ mong muốn tăng thêm tuyến xe buýt trợ giá vào ban đêm, hoạt động khoảng thời gian từ 21 giờ đến 21 giờ 30, từ phà Bình Khánh đến Cần Thạnh, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, đây là tuyến xe buýt cần thiết, đề nghị GĐ Sở GTVT ghi nhận, nghiên cứu và cam kết khi nào thực hiện để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Với nhận xét giải pháp đưa ra để nâng cao chất lượng dịch vụ của xe buýt còn chung chung, Chủ tịch HĐND TP yêu cầu GĐ Sở GTVT liên hệ các ĐB để nghe thêm giải pháp hiến kế để thu hút thêm người dân sử dụng loại hình phương tiện vận tải công cộng này.
Cung cấp nước sạch - chỉ tiêu không đạt
Nghị quyết số 38/2013/NQ-HĐND ngày 12-12-2013 của HĐND TPHCM khóa VIII kỳ họp thứ 12 xác định trong năm 2014, tỷ lệ hộ dân đô thị được cấp nước sạch là 100%, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 100%. Trả lời tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Nguyễn Thành Chung thừa nhận, dù ngành nước đã nỗ lực nhưng tại khu vực đô thị, dự kiến hết năm 2014 số hộ dân được cấp nước sạch chỉ đạt khoảng 97%.
Vùng nông thôn tuy theo báo cáo là đến tháng 10-2014 có 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, nhưng qua phản ảnh của người dân, giám sát của HĐND TP và kiểm tra của UBND TP thì vẫn còn nhiều hộ đang phải sử dụng nước có mùi tanh, vị chua, váng vàng. Ông Chung xin nhận khuyết điểm vì vẫn chưa thống kê được có bao nhiêu hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh và hứa đến hết tháng 1-2015 sẽ có số liệu chính xác.
Đối với nội dung này, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, phần trả lời đã rõ, nhưng yêu cầu GĐ Sở GTVT phải bổ sung chỉ tiêu về cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh cho các hộ dân trong phương hướng nhiệm vụ năm 2015 và có lộ trình thực hiện cụ thể.
"40 năm sau ngày thống nhất đất nước mà chưa nắm được chính xác tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, người dân ở đâu còn chưa có nước sạch, người dân ở đâu phải đi mua 70.000 - 80.000 đồng/m³ nước, người dân chỗ nào phải xách can đi mua nước hàng ngày, xách từ dưới lên lầu 7. Trong các buổi tiếp xúc, cử tri nói rất rõ vấn đề này, trong khi đó các cơ quan quản lý Nhà nước, lãnh đạo các quận - huyện, phường - xã - thị trấn lại không nắm được. Đó là điều đáng tiếc và đáng trách!" - Chủ tịch HĐND TPHCM phê bình.
Chống ngập - lo ngại hiệu quả quản lý Nhà nước
Vấn đề chống ngập là một trong những nội dung được các ĐB tập trung chất vấn lãnh đạo Sở GTVT TP. Ông Nguyễn Thành Chung cho biết, TPHCM là vùng được đánh giá bị ảnh hưởng nặng bởi triều cường và biến đổi khí hậu. Tại thời điểm đầu năm 2011, TP có 58 điểm ngập do mưa, gồm 31 điểm vùng trung tâm và 27 điểm vùng ngoại vi. Đến năm 2014, TP có 68 điểm ngập, bao gồm 33 điểm tái ngập trong 52 điểm đã xóa, 6 điểm đang thực hiện và 29 điểm đang phát sinh. Trong 33 điểm tái ngập, có một nguyên nhân là do việc thi công một số công trình dẫn đến ngăn dòng, gây ách tắc dòng chảy, làm bít cống như công trình kênh Tân Hóa – Lò Gốm, công trình thi công ở Xa lộ Hà Nội; công trình đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài… 29 điểm ngập mới vừa do các công trình thi công gây ra vừa do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Thành Chung hứa đến cuối 2015 sẽ cơ bản xóa 80% điểm ngập, cố gắng sau năm 2020 sẽ giải quyết toàn bộ những điểm ngập.
ĐB Nguyễn Thị Việt Tú bức xúc chất vấn GĐ Sở GTVT: “Nhiều điểm ngập mới phát sinh do quá trình thi công của các chủ đầu tư và nhà thầu gây tắc nghẽn dòng chảy. Vậy Sở GTVT đã có giải pháp nào để chấn chỉnh thực trạng này”?
ĐB Hoàng Thị Diễm Tuyết truy thêm: "Có những tuyến đường được chống ngập bằng cách nâng mặt đường lên, dẫn đến mặt đuờng cao hơn nhà, có khi cao đến nửa nhà dân. Khi mưa, mặt đường không bị ngập nhưng nước đổ lại xuống nhà dân. Người dân cho rằng Sở GTVT đã đổ cái khó trong chống ngập sangcho dân".
Trước câu chất vấn này, GĐ Sở GTVT hứa khi thực hiện giải pháp chống ngập bằng cách nâng đường sẽ hết sức thận trọng, tuyến đường nào nếu nâng đường gây ảnh hưởng đến người dân thì cần tìm giải pháp khác. "Chúng tôi xin ghi nhận và sẽ khắc phục ngay tình trạng nâng đường làm ảnh hưởng đến người dân", ông Chung cam kết.
Trước thông tin GĐ Sở GTVT đưa ra là chỉ riêng tại dự án Tân Hóa – Lò Gốm, thanh tra sở đã kiểm tra, xử phạt 66 lần nhưng tình hình vi phạm trong thi công làm chặn dòng chảy vẫn tiếp diễn, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận xét: "Một câu hỏi đặt ra cho Sở GTVT, các sở ngành và UBND TP là hiệu quả quản lý Nhà nước và tính nghiêm minh của pháp luật như thế nào mà dù đã xử phạt 66 lần vẫn tái phạm!"
Cuối phiên làm việc buổi sáng, các ĐB đã biểu quyết thông qua các tờ trình của UBND TP về chính sách thu hút cán bộ viên chức y tế dự phòng; quyết toán ngân sách TP năm 2013, ước thực hiện thu chi ngân sách năm 2014, dự toán và phân bổ ngân sách năm 2015; kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2015 nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
| |
VÂN ANH - ÁI CHÂN
>> Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đạt số tín nhiệm cao nhất