Truy tìm cơ sở gây mùi hôi ở Nam Sài Gòn

Sáng nay 31-8, tại cuộc họp báo về tình trạng mùi hôi tại các khu vực Nam Sài Gòn bao gồm quận 7, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TPHCM  Nguyễn Toàn Thắng cho biết đã thành lập đoàn kiểm tra, kết hợp với các quận huyện bước đầu đã kiểm tra khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước và tại một số nguồn thải khác.
Truy tìm cơ sở gây mùi hôi ở Nam Sài Gòn

(SGGPO).- Sáng nay 31-8, tại cuộc họp báo về tình trạng mùi hôi tại các khu vực Nam Sài Gòn bao gồm quận 7, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TPHCM  Nguyễn Toàn Thắng cho biết đã thành lập đoàn kiểm tra, kết hợp với các quận huyện bước đầu đã kiểm tra khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước và tại một số nguồn thải khác.

Ngoài ra đã cử lực lượng lập chốt kiểm tra thường xuyên tại ba địa phương trên. Do vấn đề mùi hôi là vấn đề phức tạp, sở đã hợp tác với các nhà khoa học để xác định sớm và công bố nguyên nhân chính thức cùng các giải pháp khắc phục.

Một góc bãi chôn lắp rác Khu xử lý rác Đa Phước, TPHCM. Ảnh: Cao Thăng


Theo ông Thắng, đến ngày 30-8, các khu vực Nam Sài Gòn mùi hôi đã giảm đáng kể và nhiều khu vực không còn xuất hiện nữa, sở dự kiến từ nay đến ngày 5-9 sẽ hoàn tất kiểm tra tất cả các cơ sở có khả năng phát sinh mùi hôi trên địa bàn 3 quận, huyện trên.  

Ngoài ra sở đã lập đường dây nóng 0838 293 653 và số 0909 022 688, để người dân có thể phản ánh sự cố mùi hôi.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng khẳng định, quan điểm của sở không né tránh về những phản ánh của người dân và đang ráo riết phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng rà soát tổng thể các nguồn thải có khả năng gây ra mùi hôi trên. Hiện tại, sở đã khoanh vùng và xác định khu vực có khả năng làm phát sinh ra mùi hôi trên xuất phát từ hoạt động xử lý chất thải tại Khu liên hiệp Xử lý chất thải Đa Phước. Tại khu vực này đang có 3 hoạt động xử lý chất thải bao gồm xử lý bùn thải, chất thải hầm cầu và rác thải sinh hoạt. Trong đó, hoạt động xử lý rác thải sinh hoạt có khả năng gây ra mùi hôi lớn nhất.

Trao đổi về vấn đề ô nhiễm mùi hôi, PGS-TSKH Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường, cho biết để giải quyết triệt để mùi hôi không phải dễ. Trong trường hợp khu vực đang có đến 3 hoạt động xử lý chất thải như Đa Phước (bao gồm xử lý bùn thải, chất thải hầm cầu và rác thải sinh hoạt), cho dù tất cả các thông số đo đạc mùi hôi của từng đơn vị hoạt động đều đạt quy chuẩn Việt Nam cho phép, nhưng cộng hưởng lại thì người dân vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi mùi hôi.

Thông tin thêm liên quan đến bãi xử lý rác thải sinh hoạt Đa Phước, huyện Bình Chánh cho biết bãi chôn lấp rác thải này được thành lập và đi vào hoạt động từ cuối năm 2007. Trong giai đoạn 1 của dự án, bãi chôn lấp có diện tích khoảng 30,6ha và thể tích không gian khoảng 3 triệu m3. Bãi chôn lấp giai đoạn 1 được thiết kế với công suất 10.000 tấn rác thải/ngày. Từ khi đi vào hoạt động năm 2007 đến trước năm 2014, bãi chôn lấp rác tiếp nhận và xử lý bằng biện pháp chôn lấp 3.000 tấn rác/ngày cho TPHCM và 20 tấn rác/ngày cho Long An. Tuy nhiên, từ cuối năm 2014 cho đến nay, sau khi TP thực hiện đóng cửa bãi chôn lấp rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi), phần lớn lượng rác thải của TPHCM dồn về khu vực này, nâng tổng công suất tiếp nhận và xử lý lên 5.000 tấn rác/ngày. Hiện bãi chôn lấp rác này đã có độ cao vài chục mét.

Về vấn đề mùi hôi từ bãi rác, Báo SGGP đã có bài phản ánh Bãi rác Đa Phước,công nghệ hiện đại: Hôi vẫn... hoàn hôi đăng ngày 30-5-2009. Từ ngày đó đến nay, vấn nạn mùi hôi này vẫn chưa tìm câu trả lời thỏa đáng và biện pháp khắc phục, quả là điều khó hiểu. 

HOÀNG HOA - ÁI VÂN

Truy tìm cơ sở gây mùi hôi ở Nam Sài Gòn ảnh 2

Các tin, bài viết khác

Tin cùng chuyên mục